(HNMO) – Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật công đoàn (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là địa vị pháp lý và cơ chế tài chính công đoàn.
Trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn và tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự luật; địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; tên gọi của các cấp công đoàn; số lượng lao động tối thiểu để thành lập công đoàn cơ sở; việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở; vai trò của công đoàn cấp trên; tài chính công đoàn…
Đáng chú ý, về địa vị pháp lý, đa số các đại biểu ủng hộ phương án 1, đó là: công đoàn là “tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm, làm rõ vị trí, vai trò, chức năng của công đoàn với tư cách là một tổ chức chính trị xã hội, một thành viên trong hệ thống chính trị của đất nước. Có ý kiến đề nghị luật không nên quy định công đoàn thực hiện chức năng đại diện, mà chỉ nên chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Về cơ chế tài chính của công đoàn, có ý kiến đồng tình với quy định trong dự thảo Luật là “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động”, nhưng đề nghị làm rõ cơ sở Chính phủ đưa ra quy định này. Đồng thời, một số ý kiến đề nghị, Luật chỉ quy định kinh phí hoạt động của công đoàn do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; trường hợp cần doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho công đoàn thì chỉ đóng góp cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp một khoản kinh phí cộng với công đoàn phí được trích lại đủ cho công đoàn cơ sở của doanh nghiệp hoạt động, khoản kinh phí này có thể trích từ lợi nhuận sau thuế; các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước không phải nộp mà do ngân sách nhà nước phân bổ cho công đoàn theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Các đại biểu cũng nhất trí với quy định, đơn vị có từ 20 lao động trở lên thì được thành lập công đoàn cơ sở và tán thành quy định, các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên thì được bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách, nhưng cần làm rõ vị trí, vai trò và các yêu cầu về năng lực với cán bộ này, đồng thời cho họ được hưởng chế độ như đối với cán bộ công chức nhà nước.
Ngày mai, Quốc hội sẽ bắt đầu bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung này dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.