Các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên dựng thành công bản đồ thay đổi diện tích rừng trên Trái Đất với độ phân giải cao, nhằm cung cấp cái nhìn chi tiết về hệ thống rừng tại các khu vực trên thế giới.
Bản đồ thay đổi diện tích rừng từ năm 2000. Đồ họa: NASA |
Bản đồ sự thay đổi diện tích rừng trong thế kỷ 21 được một nhóm chuyên gia đến từ Đại học Maryland, tập đoàn công nghệ Google và Chính phủ Mỹ hợp tác xây dựng. Nó được dựa trên 650 hình ảnh vệ tinh chụp bề mặt Trái Đất, nhằm cung cấp một cái nhìn chi tiết về những khu vực có diện tích rừng bị biến mất hoặc đang được tái sinh.
Theo các nhà nghiên cứu, trong giai đoạn từ năm 2000-2012, khoảng 2,3 triệu km2 diện tích rừng, gần bằng diện tích của Argentina, đã biến mất. Trong khi đó, chỉ có 0,8 triệu km2 rừng được phủ xanh. Trung bình mỗi năm, diện tích rừng nhiệt đới trên trái đất bị mất trên toàn cầu tăng khoảng 2.100 km2.
Tốc độ thay đổi mật độ rừng ở các khu rừng phía đông nam nước Mỹ cao gấp 4 lần so với các khu rừng ở Nam Mỹ, với hơn 31% diện tích rừng bị mất đi hoặc được tái sinh. Paraguay (Nam Mỹ) và Malaysia, Campuchia (Đông Nam Á) là các quốc gia có tỷ lệ mất rừng cao nhất thế giới.
"Đây là tấm bản đồ đầu tiên diễn tả sự thay đổi diện tích rừng nhất quán và chi tiết từng khu vực trên Trái Đất", BBC dẫn lời Matthew Hansen, giáo sư chuyên ngành địa lý của Đại học Maryland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Sự biến mất hoặc tái sinh các khu rừng có những ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái, như sự thay đổi khí hậu, lượng carbon trong khí quyển, đa dạng sinh học, nguồn nước. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có cách nào cung cấp được dữ liệu dựa trên hình ảnh vệ tinh và chính xác về sự thay đổi mật độ rừng có quy mô địa phương đến toàn cầu.
Với sự ra đời của tấm bản đồ này, các quốc gia có thể tiếp cận các thông tin chi tiết về sự thay đổi mật độ rừng cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.