(HNM) - Mỹ và Hàn Quốc vừa khai mạc cuộc tập trận thường niên Foal Eagle (Đại bàng non) kéo dài từ ngày 1-3 tới hết tháng 4, sự kiện luôn bị Triều Tiên chỉ trích là bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhằm vào quốc gia này.
Giới phân tích cũng bày tỏ lo ngại khi cuộc tập trận diễn ra đúng thời điểm căng thẳng đang tăng cao trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng, đặc biệt là lần phóng tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 vào ngày 12-2 vừa qua. Bản thân vụ việc này cũng khiến Triều Tiên phải đối mặt với sự lên án của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hàng loạt biện pháp trừng phạt mới từ Châu Âu (ngày 27-2), Australia (ngày 1-3) và từ Hàn Quốc, Mỹ (ngày 2-3).
Động thái tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ càng khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt. |
Trở lại với Đại bàng non, đây là cuộc tập trận quy mô lớn, huy động cả lực lượng bộ binh, hải quân, lục quân của Mỹ và Hàn Quốc. Cả hai quốc gia đều triển khai những loại khí tài hiện đại nhất của mình như một lời cảnh báo nhằm vào Triều Tiên. Ngay vào thời điểm khởi động cuộc tập trận, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo, trong đó cho biết cuộc tập trận năm 2017 có quy mô thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời tái cam kết sẽ bảo vệ đồng minh chủ chốt ở Châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với Đại bàng non, đến giữa tháng 3, Mỹ và Hàn Quốc sẽ lại tổ chức thêm một cuộc tập trận nữa mang tên Key Resolve (Giải pháp then chốt), trong đó bao gồm cả các hoạt động luyện tập chỉ huy tác chiến trong môi trường giả lập bằng máy tính. Những hành động quân sự như vậy đã khiến Bình Nhưỡng, vốn đang chịu áp lực về các lệnh trừng phạt gia tăng, phải có những phản ứng.
Ngày 1-3, Hãng thông tấn KCNA thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và ra chỉ thị tăng cường chuẩn bị chiến tranh tại sở chỉ huy của Quân đoàn 966, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Triều Tiên cũng ra tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc không từ bỏ chính sách thù địch nhằm lật đổ Bình Nhưỡng, phê phán việc hai nước này coi vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là một hành động khiêu khích. Chưa đầy 24 giờ sau, Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên đã đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp đối phó quân sự “cứng rắn nhất” chống Hàn Quốc và Mỹ. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên nêu rõ Seoul và Washington sẽ phải lãnh hậu quả nếu có bất cứ hành động khiêu khích nào, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng thẳng tay đánh chặn bất kỳ sự gây hấn hạt nhân nào.
Trong bối cảnh những căng thẳng đến từ các hoạt động thử tên lửa và tập trận vẫn nóng hổi, Chính phủ Hàn Quốc cho biết đã đạt được thỏa thuận về đất đai tại khu vực Seongju (tỉnh Bắc Gyeongsang). Bước tiến mới này sẽ cho phép hệ thống tên lửa phòng không giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc ngay vào giữa năm 2017 theo đúng kế hoạch. Dù Seoul luôn khẳng định kế hoạch triển khai THAAD chỉ là một biện pháp tự vệ chống lại mối đe dọa hạt nhân, tên lửa đến từ Triều Tiên, nhưng cả Nga và Trung Quốc đều cực lực phản đối động thái này với lo ngại an ninh quốc gia bị ảnh hưởng, cho rằng các hệ thống trên sẽ chẳng giúp ích gì đối với nỗ lực giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
Có thể thấy, mâu thuẫn chồng chất đang khiến căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Dù mỗi bên can dự đều có những lý lẽ rất "hợp lý", nhưng có thể khẳng định, để giải quyết bài toán khó vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ, nỗ lực "hạ nhiệt" bằng những hành động cụ thể là hết sức cần thiết. Điều đó cũng sẽ trở thành tiền đề quan trọng, cho phép những cuộc đàm phán tìm kiếm tiếng nói chung trở nên khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.