Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàn chuyện “đạo văn”

Lê Phong| 06/06/2019 11:22

(HNMCT) - Những ngày qua, câu chuyện một nhà văn trẻ đạo văn của một tác giả nổi tiếng, gửi tham dự cuộc thi mà chính tác giả bị đạo văn làm giám khảo khiến chúng ta thực sự sững sờ, bất bình và cũng thấy thật xót xa.


Thế nào là đạo văn? Thiết nghĩ không cần phải quá sa đà vào việc minh định khái niệm này, khi mà tất cả chúng ta đều hiểu rằng đó là hành động lấy văn (tác phẩm) của người khác làm của mình - một hành động ăn cắp. Vì vậy, xét trên mọi bình diện, đây là hành động sai trái cả về pháp lý, văn hóa, khoa học và đạo đức...

Từ một ý tưởng đến khi trở thành một tác phẩm, một công trình, đó là công sức lao động trí óc, mồ hôi, nước mắt, tâm huyết, tiền bạc của người khác, việc ngang nhiên sử dụng không ghi rõ nguồn gốc, xem như sản phẩm của mình là hành vi xâm hại trắng trợn, nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của chủ sở hữu.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngày càng có nhiều trường hợp đạo văn, từ văn giới đến nhà trường, từ nghệ sĩ đến nhà khoa học, từ sinh viên đến các bậc tiến sĩ... Điều đó dẫn chúng ta đến những hoài nghi, như là một tâm thức thường trực khi đứng trước các tác phẩm của bất kỳ ai. Có một nhà thơ, từng được xem là hiện tượng, là tiêu biểu cho thơ trẻ cách đây mươi năm, giờ thì không còn trẻ nữa, từ ngày chị vướng vào câu chuyện đạo thơ của một nữ sĩ khác, tôi cảm giác như có gì sụp đổ trong mình. Tôi không hay trích dẫn thơ chị nữa, ít theo dõi chị hơn nếu không muốn nói là giữ một khoảng cách nhất định. Điều gì đã dẫn tôi đến ứng xử ấy? Tôi như kẻ bị phản bội, tôi mất niềm tin. Điều đó hẳn cũng là tâm lý chung của nhiều người.

Việc đạo văn trong giới văn chương vẫn cứ cồn cào như “sóng ở đáy sông” rồi chợt bùng lên. Từ việc một nữ nhà văn Tây Nguyên đạo văn của Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy đến việc một nhà thơ nữ ở phố núi phía Bắc chuyển thể truyện ngắn của người khác thành thơ mình với những câu từ, hình ảnh không thể cãi vào đâu được..., và bây giờ là một nhà văn trẻ đạo văn Nguyễn Ngọc Tư khiến chúng ta càng thêm giật mình. Câu chuyện cứ thế hé ra những vùng khuất khiến người trong giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Rõ ràng, những nhân vật liên quan, người bị đạo văn đa phần là nổi tiếng, nhiều người biết, nhiều người đọc. Kẻ đạo văn có người rất nổi tiếng, một số khác ít nổi tiếng hơn, nhưng không phải không có những tác phẩm, bài viết đã từng được văn giới để mắt đến. Thậm chí, như tác giả trẻ đạo văn Nguyễn Ngọc Tư mới đây, anh ta còn có cả chục đầu sách trong tay. Câu hỏi là: Tại sao họ làm thế?

Lý do vẫn thường được những kẻ đạo văn đưa ra để biện minh có vẻ như không thuyết phục nổi mấy ai là do đọc nhiều, say mê, ghi nhớ đến mức nghĩ đó là của mình. Có những ảnh hưởng dẫn đến hình thái tương đồng mang tính loại hình, kiểu, type do cấu trúc lịch sử xã hội, văn hóa, thời đại, nhưng chắc chắn không thể nào có sự trùng lặp đến mức người ta có thể cầm hai tác phẩm mà “song ca”, hoặc chồng khít lên nhau như thế được.

Có người giải thích lý do đạo văn từ văn hóa, nghĩa là từ một đặc tính nào đó của con người, sản sinh trong các điều kiện sống cụ thể. Đó có thể là do truyền thống thi cử với các dạng thức học mẫu, học tủ, việc đánh giá dựa trên việc có đúng với mẫu được truyền thụ hay không dẫn đến tâm lý chép lại mà không cần biết tác giả là ai (Ngô Tự Lập - Nguồn gốc văn hóa của đạo văn). Một lý do khác cũng được Ngô Tự Lập đề cập đến là sự ngưỡng vọng các nhân vật nổi tiếng dẫn đến hành vi đạo văn. Một số “người bị hại” thì lên tiếng rằng đạo văn là do kẻ đó không thể viết được như thế nên nảy sinh tà ý. Nhiều lý do được đưa ra, nhưng theo chúng tôi, hành vi đạo văn xuất phát từ chính sự thiếu ý thức, đạo đức, luân lý cũng như tư cách của kẻ đạo văn, cùng với đó là thái độ phớt lờ, xem thường pháp luật và cộng đồng.

Đã là người cầm bút, sống với chữ nghĩa, ít nhiều phải hiểu cái giá và đời sống của chữ nghĩa. Bởi vậy, nếu hiểu đạo đức như là cái đúng, cái tốt nên làm; luân lý như là giá trị quy ước phải tuân theo; tư cách - nhân cách của người cầm bút là cái phải gìn giữ; pháp luật như là những khế ước ràng buộc cần phải đáp ứng; cộng đồng như là một không gian sống cần phải tôn trọng... thì kẻ đạo văn đã tỏ thái độ xem thường tất cả.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các phương tiện thông tin, truyền thông, các giới hạn và vách ngăn được gỡ bỏ, xuyên qua, môi trường toàn cầu hóa với các khả năng tiếp cận vấn đề, đối tượng, thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng, thì những hành vi đạo văn, khuất tất rất dễ bị phanh phui. Điều đáng ngạc nhiên là biết thế sao họ vẫn làm, vẫn đạo văn? Có lẽ, cái thiếu và yếu của tri thức, đạo đức, luân lý, trách nhiệm, nhân cách xem ra mới là căn lõi của vấn đề đạo văn.

Đây đó người ta cũng đã đề xuất giải pháp ngăn chặn việc đạo văn. Đạo văn dĩ nhiên cũng không phải duy nhất ở Việt Nam, thậm chí trên thế giới còn những vụ chấn động hơn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay cả việc ứng dụng phần mềm kiểm soát đạo văn hay những quy định khắt khe về pháp lý, những chế tài có tính răn đe,... cũng sẽ khó lòng giải quyết triệt để vấn đề. Đạo văn là vấn đề của con người, nên chỉ có thể giải quyết tận gốc bằng giải pháp con người. Theo đó, cần nâng cao ý thức đạo đức, luân lý, pháp luật, kêu gọi trách nhiệm và nhân cách ở con người mới có hy vọng giảm thiểu và đi đến xóa bỏ nạn đạo văn. Và, muốn như thế, giáo dục, dân trí phải được cải thiện, nâng cao, hướng tới mục đích đào tạo con người đáp ứng các yêu cầu như đã nói ở trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn chuyện “đạo văn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.