Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội họp phiên đầu tiên

Thành Tâm| 15/02/2019 14:10

(HNMO) - Chiều 15-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội.


Trước đó, ngày 4-2, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ...

Tại cuộc họp, Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Ban Chỉ đạo tình hình triển khai thuê dịch vụ CNTT đối với hạ tầng CNTT và phần mềm ứng dụng dùng chung của thành phố giai đoạn 2017-2018 và kế hoạch triển khai năm 2019.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đàm phán giá thuê dịch vụ CNTT từ năm 2017 đến năm 2018 với các đơn vị cho thuê dịch vụ hạ tầng CNTT dùng chung.

Trên cơ sở kết quả đàm phán giá, ngày 24-12-2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã có Tờ trình UBND thành phố xem xét, quyết định phê duyệt đơn giá (tạm tính) và giá thuê dịch vụ (tạm tính) giai đoạn 2017-2018.

Ngày 28-12-2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 7072/QĐ-UBND phê duyệt dự toán (tạm tính) thuê dịch vụ hạ tầng CNTT dùng chung của thành phố (giai đoạn 2017-2018). Sở Tài chính đã có Tờ trình và dự thảo Quyết định trình UBND thành phố xem xét, phân bổ kinh phí thuộc Chương trình ứng dụng CNTT năm 2019 với tổng kinh phí hơn 106,8 tỷ đồng để thanh toán cho các đơn vị đã cung cấp hạ tầng CNTT dùng chung của thành phố giai đoạn 2017-2018.

Đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã có văn bản thống nhất phân bổ kinh phí trên.

Dự kiến, trên cơ sở Quyết định phân bổ kinh phí của UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện ký hợp đồng, thanh toán một phần cho các đơn vị đã cung cấp hạ tầng CNTT dùng chung của thành phố, dự kiến hoàn thành trong quý I-2019.

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ cho thuê hạ tầng CNTT dùng chung của thành phố từ năm 2019 do Văn phòng UBND thành phố thực hiện, liên sở: Thông tin và Truyền thông - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục so sánh và xác định đơn giá thấp nhất, báo cáo Tổ công tác thẩm định, đề xuất UBND thành phố phê duyệt trước khi thanh, quyết toán kinh phí thuê dịch vụ hạ tầng CNTT dùng chung của thành phố (giai đoạn 2017-2018).

Văn phòng UBND thành phố sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp các dịch vụ “Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố” từ năm 2019...

Về kế hoạch CNTT năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu 100% UBND xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến (giao ban trực tuyến) kết nối với UBND thành phố và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 80% cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác, sơ kết, tổng kết, tập huấn của thành phố được tổ chức bằng hình thức trực tuyến; phấn đấu 30% cuộc họp có nhiều thành phần tham dự để giải quyết công việc, họp giao ban định kỳ, các cuộc họp khác của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đến cấp xã được thực hiện trực tuyến.

Thành phố cũng phấn đấu 50% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của thành phố được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định; 50% xã, phường, thị trấn có trang/cổng thông tin điện tử trên cổng thông tin của quận, huyện, thị xã; 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố dưới dạng điện tử (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định)...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá cao, biểu dương các thành viên trong Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã tập trung cao độ trong việc thực hiện kiểm tra sắp xếp các quy trình, thủ tục hành chính, đạt theo đúng lộ trình đến hết năm 2018 có 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4; mức độ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 98% đến 100% với 500.000 hồ sơ được xử lý qua mạng, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị đặt mục tiêu năm 2019 phải đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó mức độ 4 đạt 35%. Để đôn đốc công tác này, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành phải kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CNTT. 

Sở Thông tin và Truyền thông phải xong phê duyệt khung kiến trúc điện tử ngay trong quý I-2019. Các cơ quan liên quan phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc thuê dịch vụ, hạ tầng CNTT theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Về một số công việc cụ thể, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Sở Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục tổ chức công tác đào tạo cán bộ về CNTT, tăng cường phương pháp tự học trên Cổng thông tin thành phố, học trực tuyến. 

Lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm triển khai đồng bộ số hóa cơ sở dữ liệu với công nghệ bảo đảm tích hợp, phương tiện, công cụ bảo đảm tương thích, hoàn thành công việc này trong năm 2019.

Về việc các quận, huyện, thị xã tổ chức dự án lắp camera giám sát giao thông, an ninh trật tự, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ có văn bản quy định tiêu chuẩn; giao các sở, ngành liên quan lựa chọn nhà đầu tư xây dựng phần mềm quản lý giao thông thông minh. Các địa phương chịu trách nhiệm đấu thầu toàn bộ hạ tầng truyền dẫn và camera. Ngoài ra, 100% phường, xã, thị trấn đến ngày 30-6-2019 phải hoàn thành việc lắp camera phục vụ họp trực tuyến.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Du lịch triển khai dự án du lịch thông minh, lập các tiêu chí, lựa chọn nhà đầu tư. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đào tạo CNTT trong nhà trường, hướng dẫn cho học sinh phổ thông thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, từ đó lan tỏa kiến thức về việc này trong cộng đồng dân cư; lựa chọn một số cơ sở đào tạo để giới thiệu cho cán bộ bổ túc, sát hạch về CNTT thường niên.

Về việc xây dựng, vận hành Trung tâm điều hành thông minh, Chủ tịch UBND thành phố giao Văn phòng UBND thành phố tìm tư vấn để đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, bởi đây là một trong 2 dữ liệu cốt lõi để xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử. 

Sở Y tế cần chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho triển khai hệ thống lưu chẩn đoán hình ảnh, trả kết quả cho người đến khám qua mạng, từ đó tiết kiệm kinh phí in phim cũng như bảo vệ môi trường; triển khai phần mềm y tế thông minh để quản lý công tác khám chữa bệnh, quản lý dược.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho khu CNTT tập trung tại huyện Đông Anh; mở rộng quản lý các hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh đang thí điểm tại huyện Gia Lâm, ưu tiên dùng năng lượng mặt trời. 

Cùng với đó, thành phố sẽ thí điểm lắp đặt các ki ốt điện tử tại các tòa nhà cao tầng với công năng tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền các chế độ chính sách, pháp luật; tuyên truyền các chương trình, kết quả hoạt động của các cấp chính quyền; ứng dụng đặt vé hàng không. Thành phố cũng sẽ thí điểm quản lý thanh toán các cửa hàng bán lẻ; thí điểm đưa vào sử dụng phần mềm thăm dò sự hài lòng của nhân dân tại 2 quận Long Biên, Hoàn Kiếm...

Về một số nhiệm vụ khác, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Tài chính thống kê, tổ chức đấu thầu tập trung máy tính, máy chụp văn bản, máy in cho các quận, huyện, thị xã. Các cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi đầu tư các dịch vụ: Hỏi đáp; an toàn phòng cháy chữa cháy, thang máy; Iparking; quản lý xuất xứ hàng hóa, nông, lâm sản...

Về tổ chức mô hình trung tâm điều hành, Chủ tịch UBND thành phố giao Phòng CNTT của Văn phòng UBND thành phố làm đầu mối, sử dụng cán bộ của các sở, ngành liên quan. 

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Công an thành phố tiếp tục cập nhật dữ liệu dân cư; các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng quy chế, quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực, địa bàn quản lý; xây dựng cổng thông tin để hướng dẫn, giải đáp về dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội họp phiên đầu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.