(HNM) - Thời gian qua, việc phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã đạt được kết quả tích cực...
Đổi mới sinh hoạt Đảng gắn với mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Kịp thời nắm bắt tình hình
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước TP Hà Nội duy trì nền nếp giao ban định kỳ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, qua đó kịp thời nắm bắt tình hình và đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả công việc. Đặc biệt, việc đổi mới cách giao chỉ tiêu thành lập mới tổ chức Đảng, đoàn thể đã góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy.
Tại địa phương, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy chú trọng khảo sát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp, quan tâm giúp đỡ các tổ chức cơ sở Đảng trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đối tượng để kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên, góp phần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước TP Hà Nội cho thấy, tính đến cuối năm 2017, 8 quận, huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Long Biên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh và Ba Vì đã thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp, nâng tổng số Đảng bộ Khối doanh nghiệp trực thuộc quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc lên 23. Trong năm 2017, toàn thành phố mở 15 lớp tìm hiểu về Đảng cho 1.424 quần chúng ưu tú; 8 lớp bồi dưỡng cho 324 đảng viên mới; 5 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 744 đồng chí cấp ủy viên; 19 lớp nghiệp vụ công tác đoàn thể cho 2.143 đoàn viên, đảng viên. Quý I-2018, toàn thành phố thành lập mới được 25 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (đạt 19% kế hoạch năm) với 83 đảng viên.
Tuy vậy, việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế, như vẫn có cấp ủy chưa thực sự quan tâm, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ này; quy chế phối hợp giữa cấp ủy và chủ sở hữu, ban lãnh đạo doanh nghiệp ở một số đơn vị còn hình thức, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiện nay chưa phù hợp với mô hình quản trị doanh nghiệp...
Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt, việc thành lập chi bộ Đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là một việc khó; nhiều doanh nghiệp lớn nhưng không muốn thành lập, hoặc khi thành lập thì hoạt động hạn chế. Bởi hoạt động của chi bộ phụ thuộc rất lớn vào chủ doanh nghiệp. Các tổ chức Đảng muốn hoạt động tốt thì ngoài sự quan tâm của Huyện ủy, cần phải tranh thủ được sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp. Nói cách khác, khi bám sát hoạt động doanh nghiệp, chứng minh vai trò quan trọng của mình, thì việc thành lập và duy trì tốt hoạt động của tổ chức Đảng nhất định sẽ được cải thiện.
Tạo sức lan tỏa
Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức) là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước sớm có tổ chức cơ sở Đảng. Ảnh: Linh Ngọc |
Thực tế qua hơn 6 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU cho thấy, việc thực hiện chỉ tiêu phát triển mới tổ chức Đảng ngày càng khó hơn vì những doanh nghiệp có đủ điều kiện đều đã được các cấp ủy vận động, thành lập tổ chức Đảng. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp để có đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng, thì việc hướng dẫn tổ chức Đảng đã được thành lập trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoạt động hiệu quả là giải pháp quan trọng tạo sức lan tỏa đến các đơn vị khác. Theo Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Thanh Xuân Võ Thị Kim Ánh, trước tiên phải giúp các tổ chức Đảng nắm vững Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, các tổ chức Đảng cần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Tổ chức Đảng phải thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị, tập hợp quần chúng, luôn chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn và vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Đỗ Minh Tuấn lại cho rằng, để làm tốt công tác phát triển Đảng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên dự giao ban với Đảng ủy khối, lắng nghe phản ánh, kiến nghị từ các chi bộ trực thuộc, từ đó xem xét, giải quyết trực tiếp những khó khăn. “Huyện ủy Mê Linh luôn coi việc nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm” - đồng chí Đỗ Minh Tuấn khẳng định.
Về công tác xây dựng Đảng tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước TP Hà Nội đánh giá, hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Để khắc phục những tồn tại đang đặt ra, đồng chí Đào Đức Toàn yêu cầu, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã lưu ý tổ chức đối thoại, gặp gỡ thường xuyên với doanh nghiệp, công nhân. Đặc biệt, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc cần thống nhất đầu mối công việc, lựa chọn những cá nhân tiêu biểu, năng động, sáng tạo, gần gũi với doanh nghiệp vào vị trí Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng yêu cầu, cấp ủy các cấp đổi mới nội dung sinh hoạt tại các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp. “Buổi sinh hoạt chi bộ phải là dịp trao đổi tâm tư, nguyện vọng; cập nhật các chủ trương, chính sách mới của thành phố, phục vụ doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh... nhằm tăng tính hấp dẫn với doanh nghiệp” - đồng chí Đào Đức Toàn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.