Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học về hòa bình từ một chiến dịch quân sự khép lại chiến tranh

Lê Huy Anh| 28/04/2014 06:00

(HNM) - Những ngày này, người dân Việt Nam đang sôi nổi tham gia các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 39 năm Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng, khép lại hơn hai chục năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc - những cột mốc lịch sử chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.



Kỳ nghỉ dài trong dịp lễ mừng chiến thắng 30-4 - Đại thắng mùa xuân năm 1975 - và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là điều kiện thuận lợi để mỗi người chúng ta ngược dòng sự kiện, tìm hiểu vấn đề và rút ra cho mình những điều có ý nghĩa, liên quan đến truyền thống dân tộc, xương máu của cha anh đã bỏ ra để có được ngày hôm nay. Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là những bản hùng ca về chiến tranh nhân dân, tính chính nghĩa và lòng yêu nước, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu trong kháng chiến chống đế quốc, thực dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm không của riêng ai.

Như với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975, bây giờ, khi cuộc chiến đã lùi xa, chúng ta có thể nhìn nhận về sự kiện và vấn đề liên quan đến nó như thế nào? Chiến tranh, liệu chỉ bao hàm những trận đánh, những hành vi chiến đấu, sự thiệt hại mà các bên phải hứng chịu hay là, sau cùng, ý định chiến đấu mới là điều đáng quan tâm, bởi nó cho thấy tính chính nghĩa hay phi nghĩa từ một cuộc xung đột vũ trang giữa hai hay nhiều quốc gia? Với Việt Nam, Điện Biên Phủ hay Đại thắng mùa xuân năm 1975 là những bản hùng ca, nhưng những chiến thắng lẫy lừng năm châu bốn bể ấy có phải điều mà dân tộc ta hướng đến, ngay từ đầu, mang ý nghĩa khởi đầu cho một cuộc chiến? Với Việt Nam, một đất nước phải gồng mình liên miên trong bao cuộc chiến bảo vệ chủ quyền chính đáng trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, mong muốn gìn giữ hòa bình và tôn vinh giá trị của hòa bình không có gì khác hơn là đã trở thành nguyện vọng, là khát khao của toàn dân tộc, vậy thì bài học chiến tranh cho ta biết điều gì cần có để giữ nền độc lập cho đất nước, giữ gìn sự thống nhất trong hòa bình?

Soi từ lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm qua hàng nghìn năm lịch sử, không thể nói khác về lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Những cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, những thành quả quân sự chói sáng không chỉ cho bài học về nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân để bảo vệ chủ quyền và nền độc lập dân tộc, mà còn tái khẳng định hòa bình mới là bản chất vấn đề mà chúng ta theo đuổi; trong những thời điểm cụ thể và bối cảnh cụ thể, chiến tranh chỉ là giải pháp để đòi lại quyền được sống trong hòa bình.

Những điều nói trên được thể hiện rõ ràng trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tư duy và hành động của Người cũng như các học trò của Người - thậm chí ngay cả khi được thể hiện với tư cách chỉ huy quân sự tối cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định rằng "Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái". Đó là cơ sở của văn hóa hòa bình, điều chỉ được hình thành và duy trì một cách bền vững nhờ đức nhân ái, khoan dung. Một đất nước yêu hòa bình, giàu lòng nhân ái thì không thể là nơi khởi phát chiến tranh, không thể là bên phát động chiến tranh cho dù có thể tạo nên sức mạnh vô địch, đánh thắng những trận lẫy lừng như Bạch Đằng, Chi Lăng, Rạch Gầm - Xoài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Biên Phủ… Mùa hè năm 1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một nhóm linh mục và một người trong số họ sau này đã dẫn lời Người trong hồi ký của mình, rằng "mục đích của Chính phủ ta là theo đuổi chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân". Chỉ ít tháng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại quan điểm hòa hiếu của Việt Nam trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa", nhất quán với những gì Người từng nói, rằng "Nếu chúng ta không đạt được bằng phương pháp ôn hòa thì chúng ta không ngần ngại hành động quyết liệt để trả thù nhà, nợ nước và để chen vai, thích cánh với năm châu".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tướng trận thiên tài. Ở ông, qua nhiều chiến dịch quân sự lớn có tính quyết định đối với thắng lợi sau cùng của cuộc chiến tranh vệ quốc, trên tư cách của một vị tổng chỉ huy quân đội, người ta thấy rõ tư chất kiên cường, sáng tạo, sự quyết đoán, kiên trì tiến hành các giải pháp quân sự để giành thắng lợi toàn cục. Như Cecil B. Currey, một sử gia quân sự, tác giả của bộ ba cuốn sách viết về Việt Nam đã đặt cho cuốn sách cuối cùng của ông, viết về Võ Nguyên Giáp, tựa đề "Chiến thắng bằng mọi giá". Nhưng, trên hết, ở vị tướng lỗi lạc ấy là tâm niệm thường trực về hòa bình và nền độc lập dân tộc. Sinh thời, ông ký tặng sách với tên gọi "Đại tướng vì hòa bình", thường nhắc lại rằng "Tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình, nếu không có chiến tranh thì có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo".

Những sự kiện mang tính lịch sử, ngay cả như Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng đã xa hiện tại đến mấy chục năm, cho đến giờ vẫn cho thấy rõ những sự kiện đó sẽ tồn tại vĩnh cửu cùng thời gian, bởi giá trị của nền hòa bình mà vì nó nhiều quốc gia đã phải đương đầu với thử thách khắc nghiệt của chiến tranh mà giành lại giá trị cốt lõi của loài người. Một chiến dịch quân sự được tiến hành thắng lợi không chỉ đem lại vinh quang cho người chiến thắng, nó còn để lại bài học hậu chiến, bài học về giành lấy hòa bình và gìn giữ hòa bình - "mục tiêu mà loài người có nghĩa vụ, về mặt đạo đức, phải đạt tới", như quan điểm của Dante thể hiện ngay từ thế kỷ XIII. Đó là điều có thể và cần được tìm hiểu thường xuyên, ở mỗi thế hệ. Những người muốn nói khác về giá trị truyền thống của cả dân tộc thường có xu hướng lựa chọn chi tiết thay vì phân tích vấn đề mang tính toàn thể, đặc biệt là lắp ghép những đoạn, những ý khác lạ theo chủ ý xấu để xuyên tạc lịch sử. Bởi vậy, muốn khẳng định giá trị lịch sử, tạo ra bài học có ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, điều quan trọng là phân tích và truyền dạy những giá trị có tính cốt lõi. Bài học về giữ gìn hòa bình, nhìn từ một cuộc chiến tranh và thậm chí chỉ qua lăng kính của một chiến dịch quân sự, dù lớn tới mức nào, có khả năng tự tỏa sáng tới mức nào cũng cần phải được nghiên cứu, tổng kết, phổ biến để mọi người hiểu rõ dựa trên nền tảng truyền thống đấu tranh anh dũng và lòng yêu chuộng hòa bình của cả dân tộc.

Những bài học lịch sử sâu sắc thường được đúc kết từ biến cố lớn, về mặt nào đó thì hậu thế có thể nhìn vào đó để tìm ra phương cách hành động thích hợp nhằm tránh để xảy ra những sai lầm đáng tiếc, hoặc giả là biết cách đối đầu với vấn đề xảy ra ngoài ý muốn. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hay Đại thắng mùa xuân năm 1975 cho ta bài học về cách thức giành lại hòa bình độc lập trên phạm vi toàn quốc, là niềm tự hào dân tộc. Nó cho thấy trong giai đoạn hiện nay, giữa rất nhiều cơ hội mở ra cũng như những thách thức mà ta phải đối mặt trong một thế giới có nhiều biến động, mong muốn giữ gìn hòa bình đi liền với yêu cầu nâng cao năng lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi mỗi người ý thức cống hiến cho sự nghiệp chung. Nỗ lực xây dựng đất nước, gìn giữ hòa bình cho chúng ta cơ hội thực hiện "quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" một cách trọn vẹn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học về hòa bình từ một chiến dịch quân sự khép lại chiến tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.