(HNM) - Nhiều người lo ngại về “bong bóng” bất động sản và những khoản nợ rủi ro cao đối với các ngân hàng khi nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản ngày càng lớn.
Tăng gấp 2 lần, thậm chí là 5-10 lần, giá đất ở một số nơi tăng đột biến cùng chiêu trò “thổi giá” của giới đầu cơ. Chị Tạ Thùy Ánh (số nhà 38 Nguyễn Thị Định, Hà Nội) cho biết, chị mua mảnh đất ở Nha Trang cách đây vài tháng, với số vốn khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng, chỉ vài tuần gần đây liên tục có môi giới gọi điện muốn giao dịch với giá gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá cao như vậy chủ yếu do môi giới muốn đẩy lên để hưởng hoa hồng (thường là 1%/tổng giá trị giao dịch), chứ thực tế giao dịch thành công không nhiều.
Rõ ràng, không phải ai cũng dễ dàng có được những khoản lợi nhuận “khủng”. Không ít nhà đầu tư đất ở Phú Quốc, hay Vân Đồn đã phải "khóc dở, mếu dở" vì bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư nhưng giờ không có người mua.
Trước tình trạng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, các khu vực có hiện tượng sốt đất. Trường hợp cần thiết, tình hình có biến động bất thường, thì chủ động khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý. Đối với các tổ chức tín dụng cần tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nhà ở xã hội… Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn...
Có thể thấy, quan điểm nêu trên là hoàn toàn phù hợp tình hình thực tế, bởi lẽ nếu thị trường hình thành "bong bóng" bất động sản, các hệ lụy của nó thực sự khó lường mà bài học trước đây vẫn còn nóng hổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.