Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học chưa muộn

Tuấn Kiệt| 04/08/2012 05:54

(HNM) - Dư luận báo chí cũng như xã hội những ngày qua đặc biệt quan tâm đến vụ việc cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám xét, bắt khẩn cấp những người đứng đầu mạng lưới Muaban24 (MB24), một sàn mua bán trực tuyến chưa được cấp phép và đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.


Mượn trò bán hàng đa cấp, MB24 đã dùng chiêu lừa đảo cũ rích nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân. Vì hám lợi với khoản hoa hồng được hứa hẹn rất cao có thể được hưởng mà chẳng cần làm gì vất vả nên nhiều người đã lao vào như những con thiêu thân. Chiếc "vòi bạch tuộc" của hệ thống này vì thế mà cứ dài ra mãi, còn đa số các hạt nhân của nó (cũng chính là nạn nhân) thì tìm mọi cách vận động người thân quen "nộp mạng". Chính vì thế mà chỉ sau gần một năm hoạt động, MB24 đã tăng trưởng chóng mặt với hơn 50 chi nhánh tại 32 tỉnh, thành phố, lôi kéo được hàng chục nghìn người tham gia với 134.957 gian hàng ảo. Ước tính số tiền MB24 chiếm đoạt khoảng hơn 701 tỷ đồng. Thực tế thì có đến 95% số gian hàng trên hệ thống MB24 không có hàng bán, đơn giản vì hội viên tham gia mạng lưới này thực chất không phải để kinh doanh, mà chỉ nhằm lôi kéo người khác tham gia đóng tiền rồi hưởng phần trăm hoa hồng.

Nhưng vì sao nhiều người lại bị lừa dễ dàng đến vậy? Câu hỏi này hoàn toàn không mới, nhưng chỉ đến khi vụ việc vỡ lở thì người ta mới nghĩ đến. Sự thật là từ khoảng một năm trước, một số tờ báo đã thông tin cảnh báo về hoạt động của MB24 ngay khi nó mới xuất hiện, cũng như trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ đổ vỡ của các hệ thống bán hàng đa cấp, nhưng tại sao không có mấy cơ quan quản lý quan tâm? Chỉ cần khoác lên mình chiếc áo thương mại điện tử, len lỏi giữa mớ hỗn độn các trang web bán hàng khác trên mạng, MB24 đã dễ dàng "qua mặt" cơ quan quản lý, trở thành biến thể tinh vi của hình thức bán hàng đa cấp bất hợp pháp.

Quả thật, trách người nhẹ dạ tham gia một phần thì trách cơ quan quản lý nhiều phần. Thật đáng buồn trong vụ việc này khi chỉ có duy nhất huyện Than Uyên (Lai Châu) - một huyện miền núi xa xôi, ít có điều kiện tiếp xúc với thế giới mạng hơn và càng ít có các hoạt động thương mại điện tử - thì lại sớm nhận biết được chân tướng vụ việc và cấm cửa MB24, cảnh báo tới nhân dân trên địa bàn. Còn ở hàng chục tỉnh, thành khác, những thành phố lớn như Hà Nội thì sao? Phải chăng những người có trách nhiệm ở đó quá nhiều việc, hay họ không biết hoặc biết nhưng làm ngơ? Giá như các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm với dân như lãnh đạo huyện Than Uyên thì chắc chắn sẽ không có hậu quả đáng tiếc như hiện nay.

Kết cục của MB24 đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh với những kẻ nghèo lương tâm nhưng muốn làm giàu bằng cách chà đạp người khác, cả những người nhẹ dạ lẫn cơ quan quản lý. Những người tổ chức MB24 chắc chắn sẽ bị pháp luật xử lý. Nhưng giờ đây, hậu quả do mạng lưới này sụp đổ để lại cũng sẽ rất lớn mà chưa dễ đo đếm. Quyền lợi của những nạn nhân đến đâu, ai bảo vệ thì vẫn chưa có lời giải. Nhà nước thất thoát thuế, còn câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý còn bỏ ngỏ. Việt Nam hiện có rất nhiều các trang thương mại điện tử, trong đó có không ít trang hoạt động theo kiểu của MB24. Nếu vẫn với cung cách quản lý như hiện nay, không ai dám chắc sẽ lại không xảy ra một vụ tương tự MB24.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học chưa muộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.