(HNM) - Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) vốn được coi như “xương sống” của ngành Y tế. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến YTCS vẫn gặp không ít khó khăn, nhiều trạm y tế lâm vào cảnh đìu hiu, vắng bệnh nhân...
Bài đầu: Trạm y tế… đìu hiu
Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) vốn được coi như “xương sống” của ngành Y tế, bao gồm những đơn vị y tế gần dân nhất, có thể phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến YTCS vẫn gặp không ít khó khăn, nhiều trạm y tế lâm vào cảnh đìu hiu, vắng bệnh nhân...
Trạm y tế xã Uy Nỗ (Đông Anh) sáng 22-2. |
Người dân chưa mặn mà...
Theo thống kê, cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thì có gần 3.200 trạm cần xây mới và 3.597 trạm cần nâng cấp, sửa chữa… Trung bình, các trạm y tế chỉ cung cấp được 52,2% trong số 108 dịch vụ kỹ thuật cho phép, chủ yếu là do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa được đào tạo (chiếm 52,7%), không có trang thiết bị, thiết bị cũ, hỏng (chiếm 45,8%). Ngay tại Hà Nội, dù có đến 560/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về YTCS (chiếm tỷ lệ 96%) với trên 4.300 cán bộ công tác tại trạm, nhưng trên thực tế vẫn còn không ít trạm y tế rơi vào cảnh... đìu hiu.
9h30 sáng 22-2, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi thị sát tại Trạm y tế xã Uy Nỗ (Đông Anh). Trái ngược với cảnh bệnh nhân chen chúc, đợi chờ ở các bệnh viện tuyến thành phố, trạm y tế nơi đây vắng hoe, nằm lọt thỏm trong khuôn viên một bên là cửa hàng bán cây cảnh và một bên bán đồ gốm sứ. Hầu hết các phòng chuyên môn như: Dược, khám phụ khoa, siêu âm, xét nghiệm, khám thai… đều trong tình trạng "cửa đóng, then cài". Cả trạm chỉ có hai phòng mở cửa làm việc với sự có mặt của hai nhân viên y tế và một người dân đến lấy thuốc điều trị ung thư.
Tương tự, 10h30 tại Trạm y tế thị trấn Đông Anh, dù được xây dựng khá khang trang, nhưng tại khu vực bàn khám phân loại không có bóng dáng nhân viên y tế cũng như bệnh nhân nào. Dù nhà cách các trạm y tế này không xa, nhưng chị Đinh Tuyết Mai (39 tuổi ở Cao Lỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) chưa một lần đặt chân đến đó khám bệnh. Chị Mai cho biết, do không tin tưởng vào năng lực khám chữa bệnh (KCB) của nhân viên y tế nơi đây, nên kể cả khi trẻ nhỏ trong nhà chỉ bị ho, sốt là gia đình đã đưa đến bệnh viện.
Không riêng gì huyện Đông Anh, tại quận Long Biên có 14/14 phường đạt tiêu chí quốc gia về YTCS giai đoạn 2011-2020, song nhiều trạm y tế hiện không thu hút được người bệnh, nhất là những trạm gần khu vực Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các phòng khám tư nhân. Các trạm y tế này chỉ “sôi nổi” vào những ngày cao điểm triển khai tiêm chủng mở rộng hay tổ chức cho trẻ uống vitamin A. Trưởng một trạm y tế phường trên địa bàn quận Long Biên chia sẻ, dù được đầu tư nâng cấp và đạt chuẩn từ năm 2005, đến nay, những thiết bị tại trạm như: Máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy siêu âm, điện tim, test nhanh bệnh tiểu đường… đã quá “cổ điển”. Cùng với đó, danh mục thuốc BHYT tại trạm quá hạn chế, nên trung bình tại đây chỉ thu hút khoảng 10 bệnh nhân/ngày. Đó cũng là thực trạng của hầu hết các trạm y tế trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát triển y tế cơ sở song hành với chuyên sâu
Trong 5 năm qua, bình quân một trạm y tế của Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng để đào tạo chuyên môn, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện có 286 trạm y tế đề xuất được cải tạo, nâng cấp và hơn 80 trạm cần xây mới. Vấn đề đặt ra là, nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư rất khang trang, nhưng hoạt động kém hiệu quả.
Ngay như Trạm y tế phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) - nơi đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, KCB cho hơn 24.000 người dân trên địa bàn, nhưng cũng chỉ có khoảng 10% người dân chủ động đến khám sức khỏe và từ tháng 6-2016, trạm đã kết hợp KCB, khám sàng lọc, lập hồ sơ sức khỏe cho khoảng 6.000 trường hợp. Dù người dân đánh giá tích cực về hoạt động KCB ban đầu, tư vấn sức khỏe khi chưa có bệnh tại đây, song do vướng mắc về cơ chế liên quan đến tài chính, nên chưa triển khai được nhiều.
Tại buổi làm việc với TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt vấn đề, hiện trong 10 người có thẻ BHYT chỉ có khoảng 4 người sử dụng thẻ để đi khám ở YTCS. Nếu tính thử với 24.000 người dân thì nguồn thu BHYT ở một phường như Tây Mỗ là hơn 15 tỷ đồng. Nếu chỉ dành 10% nguồn kinh phí BHYT cho trạm y tế, thì người dân hoàn toàn có thể được khám định kỳ, có hồ sơ quản lý sức khỏe, được tư vấn sức khỏe, định hướng chuyển tuyến khi có bệnh và không còn cảnh có bệnh mới đi khám. Từ đó, khắc phục tình trạng nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư rất khang trang nhưng cán bộ y tế có ít việc để làm, thu nhập thấp, trình độ chuyên môn cũng ít nhiều đi xuống. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần phải thúc đẩy YTCS phát triển mạnh mẽ hơn, song hành cùng y tế chuyên sâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.