(HNM) - Ngày mai (5-9), tiếng trống khai giảng năm học 2017-2018 sẽ vang lên trên cả nước. Năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội đã tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, song vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng về quy mô học sinh. Vì vậy, giải quyết tình trạng quá tải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra...
Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội đã tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, song vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng về quy mô học sinh. Vì vậy, giải quyết tình trạng quá tải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra...
Dù đã rất nỗ lực, nhưng tình trạng quá tải trường lớp vẫn là thách thức lớn ở Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Bài toán về quá tải trường học đã được đặt ra từ nhiều năm trước và đang trở thành vấn đề nóng, khi tốc độ đô thị hóa tại nhiều địa bàn của Hà Nội ngày càng mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng về quy mô dân số. Mặc dù nỗ lực đầu tư xây dựng thêm trường lớp, với tổng số trường hiện có của Hà Nội là gần 2.700 trường, tuy nhiên Hà Nội vẫn đang đứng trước nguy cơ thiếu chỗ học, nhiều trường có sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định.
Thêm nhiều trường mới...
Năm học 2017-2018 là năm học đầu tiên của hơn 300 học sinh lớp 10 và hơn 30 thầy, cô giáo Trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì). Với quy mô hơn 25 vạn dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự ra đời của Trường THPT Đông Mỹ đã góp phần giảm tải về chỗ học cho học sinh cấp THPT khu vực này. Bà Nguyễn Lan Khuê, một phụ huynh học sinh cho biết, trước đây huyện Thanh Trì chỉ có 2 trường THPT công lập là Ngọc Hồi và Ngô Thì Nhậm, vì chỉ tiêu ít và không đủ điểm thi vào lớp 10, nhiều học sinh phải sang địa bàn khác để được học trường công lập. Do đó, nhân dân rất vui mừng khi có thêm một ngôi trường công lập mới.
Sự quan tâm thiết thực của thành phố đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô nói chung, với các huyện khó khăn nói riêng còn thể hiện ở việc phê duyệt đầu tư gần 600 tỷ đồng để xây dựng 42 trường học. Theo kế hoạch, 26 trường học trong số này lần lượt được đưa vào sử dụng trong năm học 2017-2018, số còn lại sẽ bàn giao vào đầu năm học 2018-2019.
Để các dự án được bàn giao đúng tiến độ, ngay từ tháng 6 khi học sinh bắt đầu nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Sở Xây dựng liên tục kiểm tra thực tế, cùng chính quyền địa phương và các đơn vị thi công kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đáng chú ý, hai dự án khó khăn nhất, khiến các cơ quan chức năng lo lắng là Trường THCS Hiệp Thuận và THCS Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cũng đã được bố trí ngân sách để hoàn thành giai đoạn 1, kịp thời phục vụ học sinh đón năm học mới.
Còn tại huyện Ba Vì, niềm vui ngày khai trường năm nay của hơn 700 học sinh Trường THCS Vật Lại như nhân lên gấp nhiều lần khi được học tập trong ngôi trường mới khang trang, hiện đại với kinh phí đầu tư 29,5 tỷ đồng. Đây là một trong số hàng chục trường học trên địa bàn thành phố vừa được bàn giao đúng dịp khai giảng năm học 2017-2018.
Ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, trong số 26 dự án trường học này, có rất nhiều trường được xây dựng tại địa điểm mới rộng rãi hơn, trong đó huyện Phú Xuyên có 2/3 điểm trường được xây tại địa điểm mới, huyện Thanh Oai có Trường Mầm non Tam Hưng; các huyện Ứng Hòa, Phúc Thọ cũng có điểm trường được xây tại địa điểm mới khang trang, rộng rãi. Việc đưa các trường mới vào sử dụng trong năm học này góp phần giảm tải về sĩ số học sinh/lớp, tạo thuận lợi để thầy và trò nâng cao chất lượng dạy - học.
Nhưng vẫn thiếu chỗ học
Trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) vừa được xây dựng khang trang. ảnh: Anh Tuấn |
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái, nhà chung cư cao tầng trên địa bàn quận đang hình thành ngày càng nhiều, dẫn tới quy mô dân số tăng nhanh. Hoàng Mai hiện có 65 trường học với gần 78 nghìn học sinh mầm non, tiểu học và THCS, số lượng này tăng bình quân từ 6.000 đến 8.000 em/năm, trong khi đó việc xây dựng nhà chung cư, khu đô thị trên địa bàn chưa đồng bộ với việc xây dựng trường học. Tình trạng quá tải trường, lớp đã xảy ra ở một số nơi, nhất là tại các phường có quy mô dân số tăng nhanh như Định Công, Hoàng Liệt, Đại Kim...
Điều đáng nói, trong khi một số địa bàn thiếu trường công lập, thì số lượng trường ngoài công lập lại phát triển khá mạnh mẽ, nhiều gia đình còn khó khăn, nếu không muốn đưa con đi học xa vẫn buộc phải cố gắng để theo học. Tại Khu đô thị Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) không có trường công lập, nhưng có 4 trường ngoài công lập; Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) có 6 trường ngoài công lập; Khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) không có trường mầm non công lập, nhưng lại có tới gần 10 trường mầm non ngoài công lập...
Nếu như trước kia, tình trạng quá tải trường học chỉ xảy ra tại các trường học khu vực quận nội thành, thì nay nhiều trường ở khu vực các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất... cũng đang đối mặt với khó khăn này. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm gần đây, trên địa bàn các xã Tứ Hiệp, Tả Thanh Oai... của huyện Thanh Trì có thêm nhiều khu đô thị mới, chung cư cao tầng… khiến quy mô học sinh ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải tại các trường học.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết, Trường Tiểu học Tân Triều có hơn 1.100 học sinh, nhưng chỉ có hơn 20 phòng học, nhiều lớp có sĩ số hơn 55 học sinh/lớp. Những năm gần đây học sinh nhà trường phải học luân phiên cả ngày thứ 7. Để giải quyết tình trạng này, huyện Thanh Trì vừa khởi công xây dựng thêm một địa điểm mới cho trường, dự kiến bàn giao vào khoảng tháng 2-2018.
Cũng tại huyện Thanh Trì, Trường Tiểu học Tả Thanh Oai chỉ có 39 phòng học, nhưng quy mô học sinh lên tới gần 2.000 em. Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu Hà cho biết, số lượng học sinh tăng quá nhanh khiến cho sĩ số học sinh/lớp đông, nhà trường phải sử dụng cả một số phòng chức năng để làm phòng học. Ban giám hiệu nhà trường đã đề xuất lãnh đạo huyện xây dựng thêm một trường tiểu học trên địa bàn xã để giảm áp lực cho trường, tạo điều kiện để nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy và học...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.