LTS: Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ở địa bàn dân cư có vai trò quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Những cán bộ CTMT “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, cần mẫn làm những công việc thầm lặng để Đảng mạnh, dân yên vui...
Cán bộ Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông giám sát công tác cải tạo, nâng cấp một công trình văn hóa.Ảnh: Bá Hoạt |
Cán bộ Ban CTMT tại địa bàn dân cư của Thủ đô hiện nay hầu hết đều là người cao tuổi, nhưng họ vẫn rất nhiệt huyết với công việc của Đảng, của dân. Cùng với sự hỗ trợ, bồi dưỡng của cơ quan MTTQ các cấp về kỹ năng hoạt động, nhiều cán bộ Ban CTMT ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Tình nguyện “vác tù và…”
Tổ dân phố, thôn, làng, bản… không phải là một cấp hành chính, nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong cộng đồng dân cư. Từ đặc thù như vậy, đòi hỏi những cán bộ CTMT ở địa bàn dân cư phải là người có uy tín trong cộng đồng và có tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Năm nay bước sang tuổi thất thập, nhưng Trưởng ban CTMT tổ dân phố số 22, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) Vũ Thị Thúy Bính vẫn luôn bận rộn.
Với hơn 20 “đầu việc” cơ bản theo quy định về vai trò, nhiệm vụ của Ban CTMT, ngày ngày, bà Bính hết đến phường để nắm chủ trương, chính sách về phổ biến đến người dân, lại tham gia họp cùng chi bộ, tổ dân phố bàn biện pháp triển khai công tác, rồi phối hợp với đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào, cuộc vận động.
Vai trò chức năng chính của Ban CTMT được quy định trong Điều lệ MTTQ Việt Nam như sau: Trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND; chương trình hành động của MTTQ Việt Nam các cấp; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư… |
Tuy khá vất vả, nhưng bà không nề hà trước bất cứ công việc gì. Còn Trưởng ban CTMT tổ dân phố 23, phường Ngọc Lâm Trần Thanh Hải thì ví công việc của MTTQ là “Mặt trận - trận nào cũng có mặt”: Bất kể đêm hôm hay sáng sớm, hễ ở đâu có việc cần là cán bộ Mặt trận có mặt. “Nhiều khi vợ, con chê trách mình bê trễ việc nhà, nhưng vẫn vui vẻ ủng hộ công việc ý nghĩa này” - ông Trần Thanh Hải cho hay.
Điều khiến nhân dân ghi nhận và quý mến những cán bộ Mặt trận chính là sự nhiệt tình, hăng hái với công việc chung. Ở thôn Thuận An, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì), 11 cán bộ làm công tác Mặt trận, hầu hết tuổi đã cao, nhưng hễ thôn triệu tập là không ai vắng mặt. Trong đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng ban CTMT thôn không những làm tốt vai trò của cán bộ MTTQ mà còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về mô hình kinh tế VAC của gia đình, giúp nhiều gia đình khác phát triển kinh tế. Ở xóm Đông Duy, xã Phú Đông (huyện Ba Vì), người dân luôn ghi nhận công lớn của ông Phùng Văn Thúc, Trưởng ban CTMT, đã vận động nhân dân đồng thuận để dồn điền, đổi thửa gần 21ha, trong đó, có 70 hộ nhận một thửa, còn lại hơn 100 hộ nhận hai thửa.
Ông Thúc còn hoàn thành tốt vai trò Tổ trưởng tổ hòa giải, phòng chống tệ nạn ma túy để trong xóm không có người nghiện... Trong khi đó, vừa là cán bộ Mặt trận, vừa gắn bó với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), ông Lê Trần Cung đã góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn, nhất là tệ nạn ma túy. Ông đã tham gia đề xuất với phường thành lập 2 điểm rửa xe, tạo việc làm cho 4 đối tượng sau cai nghiện với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Niềm vui lớn nhất đối với ông là sau một thời gian dài kiên trì tuyên truyền, vận động đã góp phần giúp được 4 người từ bỏ ma túy.
Vì sự bình yên, phát triển của khu dân cư
MTTQ là trung tâm đoàn kết toàn dân, cán bộ Mặt trận ở địa bàn dân cư thực sự là những người luôn gần dân, sát dân, trực tiếp tham gia chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân và luôn nêu gương trong các việc ở địa phương, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) Nguyễn Thị Hải Yến vui mừng cho biết, hơn 100 hộ dân nợ đọng thuế đất ở địa phương đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nhờ sự kiên trì vận động, tuyên truyền, thuyết phục của các ngành, đoàn thể, trong đó có các bác ở 29 Ban CTMT. Còn Bí thư Đảng ủy phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Lưu Nguyên Hải đánh giá: Cán bộ CTMT đã đóng góp quan trọng vào thành công của công tác bầu cử, các kỳ họp HĐND, vận động nhân dân ủng hộ các loại quỹ, thu thuế và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần giúp địa phương hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh khẳng định, hoạt động của các Ban CTMT ở địa bàn dân cư có nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả trên nhiều phương diện. Vai trò giám sát, phản biện xã hội được thể hiện rõ nét, phát hiện nhiều sai phạm, vi phạm của tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên và giám sát đến cùng việc xử lý các vụ việc. Cùng với đó, công tác tuyên truyền vận động nhân dân đạt kết quả cao, điển hình như đợt vận động ủng hộ Quỹ Vì Trường Sa gần đây, đạt trên 46 tỷ đồng, vượt kế hoạch dự tính.
Về cơ cấu cán bộ được kiện toàn đủ số lượng từ 9 đến 15 thành viên/Ban CTMT (tùy yêu cầu công việc tại địa phương). Chất lượng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xác định cán bộ MTTQ ở địa bàn dân cư có vai trò quan trọng trong việc đưa các phong trào vào cuộc sống nên MTTQ thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn theo hướng, nơi nào yếu thì “cầm tay chỉ việc”; đồng thời lựa chọn những nơi có truyền thống chất lượng hiệu quả công việc cao để giao nhiệm vụ, thí điểm nhiều mô hình mới để nhân rộng.
Trên thực tế, Ban CTMT và những cán bộ Mặt trận đã phát huy dân chủ, huy động được sức mạnh nội lực và tinh thần sáng tạo của quần chúng vào sự nghiệp phát triển Thủ đô; phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của dân với Đảng và Nhà nước. Hệ thống MTTQ ngày càng được củng cố và phát triển cũng chính là nhờ sự đóng góp quan trọng của các Ban CTMT - những “chân rết” ở địa bàn dân cư.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.