(HNM) - Kết quả tích cực của năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục phấn đấu đạt kết quả tốt hơn trong những năm tiếp theo...
Nhìn thẳng vào sự thật
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã không ngại khi chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của huyện Phú Xuyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thọ thẳng thắn cho rằng, kinh tế chưa phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của huyện; việc huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu chậm, chưa đạt kế hoạch…
Sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, huyện Ứng Hòa đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó riêng chỉ tiêu thu ngân sách đã đạt gần 150% kế hoạch. Dù vậy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Anh Tuấn vẫn chỉ rõ 7 hạn chế, khó khăn mà huyện phải nỗ lực vượt qua. Trong đó, đáng chú ý, dù là huyện nông nghiệp, nhưng năm qua, một số nhiệm vụ như mở rộng vùng cây ăn quả, vùng sản xuất rau, trồng cây vụ đông chưa đạt kế hoạch…
Cũng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng đã chỉ rõ 5 nhóm hạn chế, yếu kém tồn tại trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Trong đó, các
chỉ số như tăng trưởng GRDP, GRDP/đầu người, đầu tư xã hội và xuất khẩu có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra. Ngay cả lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) dù đã có nhiều bước đột phá, song thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn chưa được đơn giản hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Về Chỉ số CCHC, năm 2015, Hà Nội đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giảm 6 bậc so với năm 2014. Tại một số quận, huyện, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn chậm, chưa quyết liệt. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng tăng, kể cả bên ngoài khu vực nội đô. Công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường phần nhiều vẫn ở thế bị động, đặc biệt là ở một số làng nghề. Cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp, đã xảy ra một số vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản… Thấy rõ hạn chế yếu kém là cơ sở quan trọng để thành phố đề ra giải pháp khắc phục.
Một khó khăn lớn đang đặt ra với nhiều địa phương đó là cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn mà huyện Sóc Sơn là một ví dụ điển hình. Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Bút, Sóc Sơn chưa phát triển được vì thiếu hạ tầng. Mong mỏi lớn nhất của huyện là thành phố sớm xây dựng được tuyến đường nối Đại lộ Võ Nguyên Giáp với đô thị vệ tinh Sóc Sơn. Nhiều huyện như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên… đều nắm giữ những tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp không nhỏ, nhưng chưa khai thác được vì những khó khăn tương tự.
Khai mở nội lực
Có thể thấy, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của thành phố, nhiều quận, huyện đã chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, chủ động tìm biện pháp khắc phục khó khăn để phát triển. Các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm chủ động đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp. Các quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, các huyện Đông Anh, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Thường Tín, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ… đều ưu tiên tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư. Nhiều quận, huyện đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải rằng chìa khóa để huy động nguồn lực từ bên ngoài chính là CCHC, các địa phương đang tập trung cao độ thúc đẩy CCHC.
Để giải bài toán về hạ tầng, nhiều quận, huyện kiến nghị thành phố cho địa phương được giữ lại 100% nguồn thu từ đấu giá đất, lấy nguồn vốn này để thực hiện các dự án thuộc nhiệm vụ chi của thành phố trên địa bàn. Huyện Ứng Hòa mạnh dạn giao cho doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân ở 5 xã. Quyết tâm đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đang thể hiện rõ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị…
Dù còn nhiều khó khăn nhưng triển vọng phát triển từng địa phương nói riêng và Hà Nội nói chung là rất lớn. Như tại huyện Sóc Sơn, hàng loạt dự án lớn đang đón đầu xu hướng phát triển sẽ được triển khai như trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Đại học Thủ đô, đặc biệt là dự án "Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf" tiêu chuẩn 5 sao với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD…
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng: “Thách thức của Hà Nội hiện tại là vượt qua chính mình. Mỗi cơ quan, tổ chức phải nỗ lực đổi mới lề lối làm việc, giảm bớt thủ tục rườm rà, phá bỏ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và nhất là không gây phiền hà cho nhân dân. Từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thay đổi tư duy, nhận thức cũ. Phải lấy tinh thần “khởi nghiệp” thay cho tư duy làm thuê mùa vụ. Phải lấy tinh thần chủ động, sáng tạo thay cho sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm. Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ công bộc để xứng đáng với niềm tin của nhân dân…”. Đây là định hướng hành động, là tinh thần đổi mới đã và đang lan tỏa trong hệ thống chính trị thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.