(HNM) - Góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong nước, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội (HHT) đã phát triển theo hai hướng: Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao và đào tạo linh hoạt theo nhu cầu xã hội.
Giờ tin học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. |
Đầu tư về vật chất, con người
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, trong những năm vừa qua, HHT được thành phố Hà Nội đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nguồn lực con người.
Đưa chúng tôi tham quan những hạng mục công trình đang sửa chữa, nâng cấp, Hiệu trưởng HHT Phạm Xuân Khánh cho biết: Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành chức năng. Đầu tháng 3 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Đầu tư Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đồng bộ thành trường chất lượng cao, đào tạo một số nghề trọng điểm cấp độ quốc tế”, với kinh phí gần 416 tỷ đồng, từ nhiều nguồn khác nhau.
Đề án được thực hiện thông qua 3 dự án thành phần là: Tăng cường lĩnh vực nghề nghiệp sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản; đầu tư nghề công nghệ ô tô cấp độ quốc tế và đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy…
“Ngoài đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, từ năm học 2019-2020, HHT sẽ có cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện. Đó là cơ sở để nhà trường phát triển các ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận”, ông Phạm Xuân Khánh tin tưởng.
Vào các lớp học, chúng tôi ấn tượng với không gian học lý thuyết tích hợp với thực hành. Tại Khoa Điện - Điện tử, các giáo viên vừa dạy lý thuyết trên bảng, vừa dạy thực hành trên máy. Nhiều môn học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo chuẩn quốc tế, tuy khó truyền đạt, tiếp thu, nhưng các giờ học đều diễn ra sôi nổi. Theo Trưởng bộ môn Điện tử công nghiệp Hoàng Đức Long, nhà trường luôn giảng dạy theo tinh thần lấy người học làm trung tâm, giáo viên là người định hướng, dẫn dắt.
Mô hình "nhà trường là nhà máy thời kỳ 4.0, nhà máy thời kỳ 4.0 cũng là trường học" được thể hiện rõ hơn tại các xưởng thực hành. Giữa khối máy móc đồ sộ tại xưởng tiện, phay, bào, Trưởng bộ môn Cắt gọt kim loại Vi Thị Thu Hương tận tình hướng dẫn sinh viên vận hành các loại máy… Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh diễn ra liên tục. Nhìn tổng thể, các xưởng thực hành như nhà máy và sinh viên là những người thợ lành nghề.
Ngoài những giờ thực hành tại trường, đa số sinh viên từ năm thứ hai trở đi được thực hành tại những doanh nghiệp uy tín. Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ, số 226 Phúc Diễn, quận Nam Từ Liêm Lê Xuân Thức cho biết, doanh nghiệp thường xuyên tiếp nhận khoảng 50 sinh viên ngành cơ khí, chế tạo máy, tự động hóa công nghiệp... của HHT đến thực hành.
Tiết học cơ khí của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. |
Trong thời gian thực hành, doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm cho sinh viên, trung bình khoảng 200.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ lao động trẻ hoàn thiện kỹ năng nghề, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm, rèn ý thức chấp hành kỷ luật. Tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ, hiện có tới 70% lực lượng lao động là từ "lò" HHT.
Trưởng thành từ môi trường giáo dục thực hành, 100% sinh viên của các nghề đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế có việc làm trước khi ra trường, không đủ cung ứng cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã trả chi phí đào tạo để được ưu tiên tuyển dụng sinh viên HHT. Đáng chú ý, nhiều sinh viên HHT giành giải thưởng cao trong các kỳ thi tay nghề trong nước, quốc tế.
Em Nguyễn Văn Thiết, học nghề kỹ thuật lắp đặt điện trong công nghiệp (khóa V) giành Huy chương vàng kỳ thi tay nghề ASEAN chia sẻ: “Khi vững tay nghề, người lao động dễ dàng tìm được việc làm yêu thích. Hiện tại, em đang làm việc tại Phòng Kỹ thuật và Đào tạo, Công ty Samsung Thái Nguyên với mức lương rất khá”.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Song song với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, nghề trọng điểm, HHT còn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo những ngành, nghề mới, đào tạo liên thông cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, đào tạo nghề trình độ sơ cấp; tuyển sinh du học nghề…
Dự kiến, năm học 2019-2020, HHT đào tạo 6 nghề mới, gồm tiếng Anh du lịch, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc, kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật thiết bị cơ điện, điện tử, y tế với số lượng khoảng 300 người. Với mô hình 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn hóa song song với học nghề, số lượng tuyển sinh cho năm học 2019-2020 là 500 người, tăng 200 người so với năm học 2018-2019.
Thành công từ chương trình đào tạo đặc thù này tại HHT, em Nguyễn Thiên Trường (sinh năm 1998), cán bộ Phòng Tuyển dụng (Công ty Samsung Thái Nguyên) khẳng định, theo học mô hình 9+ là con đường ngắn nhất để làm nghề. “Hiện tại, bạn bè bằng tuổi em còn đi học hoặc chưa tìm được việc làm, em đã có bằng cao đẳng nghề, có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng”, Nguyễn Thiên Trường phấn khởi chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, HHT vừa mở rộng đào tạo những ngành, nghề thị trường đang cần, vừa “phổ cập” nghề là hướng đi đúng. Đó cũng là giải pháp cơ bản được các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai nhằm cân đối cung - cầu trên thị trường lao động; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Dưới góc độ sử dụng lao động, ông Nguyễn Mạnh Nam, Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (Khu công nghệ cao Hòa Lạc) đánh giá: “Người lao động trưởng thành từ HHT vững chuyên môn, tay nghề, nghiêm túc chấp hành kỷ luật, đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là ở những ngành còn mới mẻ tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng sinh viên HHT vào thực tập hoặc làm việc lâu dài”. Ngoài ra, HHT đang liên kết, hợp tác với gần 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước để giới thiệu thực tập, việc làm cho người học.
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, HHT đang phát triển giáo dục nghề nghiệp đúng hướng, quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa người học - nhà trường - doanh nghiệp và thị trường lao động. Sự phối hợp đó mang lại lợi ích cho nhiều phía. Người học được tiếp cận với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm, dễ tìm việc làm. Nhà trường tiết kiệm được chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo. Doanh nghiệp có cơ hội tuyển chọn lao động giỏi, phù hợp với yêu cầu công việc. Xã hội giảm bớt lao động qua đào tạo bị thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.