Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Thời cơ đã chín muồi

Tuấn Lương| 31/05/2022 06:23

(HNM) - Quyết định làm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng như Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ thực tiễn cấp bách, không chỉ là quan điểm hiện nay mà còn nhằm hướng tới tương lai. Thời điểm này đã chín muồi để làm hai tuyến vành đai chiến lược, mang ý nghĩa rất lớn gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh, bền vững.

Hội thảo tham gia ý kiến vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tháng 2-2022. Ảnh: Bảo Hân

Cấp thiết triển khai

Trở lại với câu chuyện của tuyến Vành đai 3 Hà Nội. Nằm ở cửa ngõ của Thủ đô, tuyến đường Vành đai 3 có vai trò quan trọng kết nối các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, phía Nam về trung tâm Hà Nội và góp phần giảm lượng phương tiện qua nội đô. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tuyến vành đai này đã có dấu hiệu quá tải, tình trạng ùn tắc cả trên cao lẫn dưới thấp vào giờ cao điểm đã trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông qua khu vực này. Lưu lượng phương tiện trên tuyến đường Vành đai 3 hiện nay bình quân khoảng 5.000-6.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. Nằm trên tuyến đường này, cầu Thanh Trì hiện đã vượt quá lưu lượng thiết kế khoảng 8 lần, mỗi ngày đón khoảng 120.000 lượt xe qua cầu, trong khi thiết kế của cầu chỉ 15.000 xe/ngày đêm.

Chính vì vậy, có được tuyến đường Vành đai 4 nhằm giảm tải cho đường Vành đai 3 từ lâu là mong mỏi của nhân dân Thủ đô. Không chỉ giải quyết nhu cầu giao thông, tuyến đường khi hoàn thành còn có vai trò mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, tăng khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, việc xây dựng tuyến Vành đai 4 khép kín là giải pháp hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua thành phố Hà Nội.

Còn với Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh khi hoàn thành giúp giảm các xe quá cảnh qua thành phố Hồ Chí Minh, giảm tải giao thông khu vực nội đô và kết nối các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh.

Trước tầm quan trọng của hai dự án, chính quyền các địa phương nơi hai tuyến đường đi qua đều đang vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương.

Cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ để triển khai

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều năm qua, hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước suốt thời gian dài bị kìm hãm tốc độ tăng trưởng do thiếu hạ tầng giao thông, thể hiện rõ nhất là hệ thống đường vành đai. Do đó, thời điểm hiện nay đã chín muồi để triển khai hai tuyến đường vành đai liên vùng này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, số lượng đường cao tốc hiện còn khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đặt mục tiêu triển khai hai tuyến đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức hợp lý khi giai đoạn 2011-2020 đã không có điều kiện để làm. “Đến nay, chúng ta đã cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ đáp ứng yêu cầu của dự án”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

“Việc đưa ra quyết định làm hai tuyến đường thể hiện tầm nhìn của Chính phủ. Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông. Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Vùng Thủ đô và Vùng thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất, không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà cả không gian đô thị, tầm cao phát triển đô thị. Thời điểm này có giá trị thúc đẩy rất lớn. Tôi thực sự chia sẻ nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra chương trình này và hy vọng phải có cách tiếp cận quyết liệt, xứng đáng với sứ mệnh đặt ra”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, dự án Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hoàn thành trong năm 2027.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, hoàn toàn có thể hình dung ra sự “bùng nổ” khá mạnh mẽ khi các tuyến đường vành đai được hình thành. Chân lý “đường thông” sẽ thể hiện ở 3 điểm chính. Thứ nhất, hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Công nghiệp theo tinh thần mới là khu công nghiệp đẳng cấp cao. Thứ hai, vận tải và các tuyến logistics sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao, tạo nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống, theo đúng tiêu chuẩn bền vững. Thứ ba, trong tầm nhìn xa hơn nữa là nối các hành lang này với các sân bay thì có thể hình dung sự kết nối với thế giới, qua đó tận dụng cơ hội phục hồi để tạo ra đột phá, phát triển.

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội là cấp quyết định chủ trương đầu tư; UBND thành phố Hà Nội là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2027.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Thời cơ đã chín muồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.