(HNM) - Những năm gần đây, chất lượng dân số Việt Nam (chỉ số phản ánh tình trạng thể chất, trí tuệ và tinh thần của cộng đồng dân cư) liên tục tăng, song vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, việc nâng cao chất lượng dân số có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam cho rằng, chỉ số phát triển con người (HDI) được xem là bộ mặt của quốc gia, tính theo ba tiêu chí, gồm: Sức khỏe, tri thức và GDP bình quân đầu người. Năm 2010, Việt Nam xếp thứ 113/169 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên hợp quốc. Từ đó đến nay, Việt Nam chưa bao giờ lọt vào tốp 100 nước có “Chỉ số phát triển con người” cao nhất. Ngoài ra, có thể đánh giá chất lượng dân số qua các chỉ số về thể lực, trí lực, tinh thần của con người.
Tư vấn dinh dưỡng nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, qua các nghiên cứu trong nước và quốc tế, ước tính dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 1,5-2% số trẻ sinh ra hằng năm, tương đương 22-30 nghìn trẻ có bệnh tật bẩm sinh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn còn cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi (chiếm 24,6%) và còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc (tỷ lệ thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%). Cùng với đó, tầm vóc, thể lực, cân nặng, sức bền của người Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Trong hơn 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, trung bình 10 năm chỉ cao thêm được 1cm. Cụ thể, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng từ 160cm lên 164,4cm; chiều cao trung bình của nữ tăng từ 150cm lên 153,4cm. Việt Nam vẫn đang trong nhóm các nước có chiều cao trung bình ở mức thấp so với thế giới…
Cùng đối mặt với thách thức trên, điều đáng suy nghĩ và cần có biện pháp giải quyết là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Nước ta đang ở thời kỳ dân số “vàng” với cơ cấu dân số khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là một lợi thế để Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, chất lượng nguồn nhân lực lại rất thấp. Tỷ lệ nguồn nhân lực, người lao động qua đào tạo mới đạt gần 30%, tỷ lệ có bằng cấp chỉ chiếm khoảng 8%, rất khó cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu giải quyết tốt vấn đề việc làm, nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo thì đây là thời cơ có một không hai để chúng ta “cất cánh”. Ngược lại, nếu không giải quyết được những vấn đề nêu trên thì nguy cơ đối diện với nhiều gánh nặng xã hội là rất rõ...
Song song với lợi thế dân số “vàng”, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, già hóa dân số là đặc trưng của những nước có thu nhập cao. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh - như nhiều người nói là “chưa giàu đã già”. Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 73,4 tuổi nhưng tuổi khỏe mạnh lại thấp hơn nhiều (64 tuổi). Như vậy, trung bình mỗi người có gần 10 năm cuối đời sống không khỏe. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi.
Nỗ lực từ cá nhân đến cộng đồng
GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao… phải thay đổi thì mới nâng cao được chất lượng dân số. Riêng đối với thế hệ tương lai, cần kiểm soát chất lượng dân số ngay từ khi còn là bào thai. Thậm chí, trước đó phải chú ý sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân cho những người chuẩn bị làm cha, làm mẹ. Đối với những đối tượng có nguy cơ cao thì phải bắt buộc có chứng nhận sức khỏe hoặc được tư vấn trước khi kết hôn...
Ngoài việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số 104 triệu người, Nghị quyết số 21-NQ/TƯ cũng đặt ra mục tiêu, công tác dân số đến năm 2030, trong đó tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; tuổi thọ bình quân khoảng 75 tuổi (thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm); 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Bên cạnh đó, chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm, nữ đạt 157,5cm. Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất...
Để đạt được mục tiêu trên, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, công tác tuyên truyền phải tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho người dân. Cụ thể là, phổ cập kiến thức về dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ đang nuôi con. Cùng với đó, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, chú ý đào tạo nghề, nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc y tế, trong đó tập trung triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…
Chuyển hướng chính sách, từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết đồng bộ, toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số là bước ngoặt lịch sử, đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân và cả cộng đồng, quốc gia. Khi dân số đạt cả về lượng và chất sẽ góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.