Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Siết chặt quản lý

Thu Trang| 30/04/2016 08:15

(HNM) - Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể có vai trò quan trọng trong bảo đảm sức khỏe, nâng cao năng suất lao động của người lao động. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý nhà nước phải siết chặt quản lý bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), bởi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ.

Cần nâng cao chất lượng tại các bếp ăn tập thể để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.


Chỉ phát hiện sai phạm khi... xảy ra ngộ độc

Giai đoạn 2012-2014, trung bình mỗi năm, thanh tra liên ngành ATTP đã tiến hành thanh, kiểm tra khoảng 470.000 cơ sở, phát hiện hơn 99.350 cơ sở vi phạm (21,1%). Trong năm 2015, các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra gần 350.000 cơ sở, phát hiện gần 78.000 cơ sở vi phạm (22,6%). Đến hết quý I-2016, kiểm tra gần 110.000 cơ sở, phát hiện hơn 20.000 cơ sở vi phạm (18,8%). Riêng bếp ăn tập thể, năm 2014, qua kiểm tra hơn 119.000 cơ sở (72,1% tổng số cơ sở toàn quốc), đã phát hiện hơn 29.300 cơ sở vi phạm (24,6%) và đình chỉ hoạt động 56 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 620 cơ sở với 562 loại sản phẩm, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý 13 trường hợp.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP cho biết, đã có quy định chặt chẽ bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các KCN-KCX, kiểm soát từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… Các cơ sở phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân… Tuy nhiên, khi kiểm tra, đã phát hiện nhiều vi phạm, chủ yếu về vệ sinh phòng ăn, khu chế biến thức ăn; trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng thực phẩm chưa bảo đảm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực hiện lưu mẫu không đúng quy định; vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình bảo quản; thậm chí là không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Ngay sau vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại bếp ăn tập thể của Công ty LISHENG, Công ty XINREN, Công ty SUNGJU (KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) khiến 300 công nhân phải nhập viện ngày 21-4, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện đơn vị cung cấp suất ăn gây ngộ độc cho hàng trăm công nhân chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Vi phạm này cho thấy dấu hiệu buông lỏng quản lý trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn.

Một bất cập khác là nhiều địa phương có quy định, nếu kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp nằm trong KCN, KCX phải thông báo trước từ 7 đến 10 ngày cho ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua khảo sát, 70% số vụ NĐTP trong các KCN là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến, nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Điều đó dẫn tới thực trạng, cơ quan chức năng chỉ phát hiện vi phạm của doanh nghiệp cung cấp khi... đã xảy ra NĐTP.

Giám sát nguồn gốc thực phẩm, nâng chất lượng bữa ăn

Để bảo đảm sức khỏe và nâng chất lượng bữa ăn cho công nhân, Cục ATTP đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra tiêu chí về lượng ca lo tối thiểu trong một bữa ăn cho công nhân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Cục ATTP sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền và đề nghị các doanh nghiệp bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho công nhân thông qua chế độ giám sát của các tổ chức công đoàn, đồng thời các cơ quan quản lý và chuyên môn tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở không có giấy phép về ATTP; tuyệt đối không để cơ sở chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cung cấp suất ăn cho công nhân.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 3.214 bếp ăn tập thể trong các KCN, trường học…, trong đó có những bếp ăn phục vụ đến hàng nghìn người. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh rà soát, kiểm tra công tác ATVSTP trong các bếp ăn tập thể tại các KCN và KCX, trường học. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Quản lý KCN-KCX thành phố chỉ đạo các bếp ăn tập thể nghiêm túc thực hiện các quy định về VSATTP; đồng thời phối hợp rà soát, kiểm tra, tập huấn về ATTP cho nhân viên các bếp ăn. Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, bếp ăn tập thể được tổ chức tại chỗ ít xảy ra NĐTP hơn so với suất ăn tập thể được cung cấp từ cơ sở bên ngoài. Các KCN ở Hà Nội chủ yếu tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ, do vậy, điều kiện VSATTP tốt hơn. Mặt khác, mức chi cho mỗi suất ăn ở KCN tại Hà Nội cao hơn so với KCN tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, nên chất lượng thực phẩm cũng bảo đảm hơn.

Để bảo đảm ATTP, cần phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tại địa phương, gắn trách nhiệm bảo đảm ATTP với các thành viên ban chỉ đạo; phát huy vai trò của Ban Quản lý các KCN trong việc giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về bảo đảm VSATTP. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, hiện các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm VSATTP. Vấn đề là trong thanh, kiểm tra ATTP phải thay đổi cách làm, từ kiểm tra theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, nhất là phải truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm thì mới mang lại hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Siết chặt quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.