(HNM) - Việc kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội rất khó khăn vì thiếu nhân lực và kinh phí. Trong khi vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang ở mức báo động, tình trạng vi phạm vẫn còn, nguồn gốc sản phẩm không được kiểm soát.
Để từng bước chấn chỉnh cần thực hiện đồng bộ giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, đào tạo cán bộ, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP; đồng thời quản lý đồng bộ từ sản xuất đến bàn ăn để đưa hệ thống cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố vào nền nếp...
Quản lý thức ăn đường phố ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Anh Tuấn |
Hỗ trợ nhân lực và kinh phí
Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Trịnh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP đến đông đảo người dân, để người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng cùng nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm ATTP. Tập trung đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn về công tác quản lý ATTP, đồng thời thường xuyên rút kinh nghiệm và triển khai các hoạt động có liên quan đến vệ sinh ATTP theo từng tuần, tháng, quý là những giải pháp góp phần đạt mục tiêu trên. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe định kỳ, các hộ kinh doanh phải ký cam kết bảo đảm ATTP như: Lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp, đủ diện tích để bày bán thực phẩm và có đủ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phù hợp để bày bán, sơ chế hàng hóa không thấm nước, không gây ngộ độc cho sản phẩm, dễ làm vệ sinh. Thực phẩm kinh doanh phải có hóa đơn hoặc ghi chép việc mua bán hàng đầy đủ nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc…
Cùng với đó, thành phố nên có cơ chế hỗ trợ về kinh phí tập huấn, mua sắm trang thiết bị kiểm tra nhằm giúp cơ sở thực hiện các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định và tổ chức điều tra để sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hằng năm. Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm về quản lý thức ăn đường phố, thành lập tổ quản lý truyền thông, tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát ở cơ sở. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, để công tác quản lý ATTP, đặc biệt là thức ăn đường phố đi vào nền nếp, ngoài việc tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, phụ trách lĩnh vực ATTP, thành phố cần đầu tư thêm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra, xét nghiệm mẫu thực phẩm ở tuyến xã, thị trấn để họ có dụng cụ trong khi thi hành nhiệm vụ, sớm phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời…
Quản lý đồng bộ từ sản xuất tới bàn ăn
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) Nguyễn Văn Đức cho biết, hiện công tác quản lý các cơ sở kinh doanh ăn uống ở xã, thị trấn chưa hiệu quả. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này, về lâu dài các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần thực hiện đồng bộ công tác quản lý ATTP từ sản xuất đến bàn ăn. Trước hết phải quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm đầu vào thông qua việc khuyến cáo nông dân sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn như: Hướng dẫn nông dân về xử lý phân bón bằng chế phẩm sinh học và cách sử dụng thuốc trừ sâu. Vận động nông dân nên sử dụng diệt chuột và sâu hại bằng bẫy bả chua ngọt, bón cho rau màu bằng bột đỗ tương, cám ủ, nếu sử dụng phân chuồng phải tổ chức ủ theo quy trình… Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra ngay từ khâu sản xuất để xử lý nghiêm trường hợp sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng cho phép.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các địa phương cần quy hoạch các vùng sản xuất, khuyến khích nông dân sản xuất mô hình nông nghiệp an toàn để quản lý nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, hỗ trợ cho người dân trong việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Đối với hệ thống cửa hàng bán thức ăn đường phố, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm vi phạm. Đề cập về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường cho rằng, thành phố cần củng cố mạng lưới quản lý ATTP của 3 ngành: Nông nghiệp, Công thương và Y tế ở cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác ATTP, tránh chồng chéo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, các phòng chức năng cần tăng cường kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm sản phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp. Xử lý các thông tin người dân phản ánh về mất ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Củng cố, nâng cao kỹ năng và duy trì hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm từ huyện, đến xã, thị trấn; kịp thời điều tra, xử lý 100% vụ ngộ độc thực phẩm. Các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ khi cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, yêu cầu các hộ không có giấy kinh doanh và cửa hàng nhỏ lẻ ký xác nhận vào bản cam kết thực hiện quy định về ATTP…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.