(HNM) - Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã được đánh giá là phù hợp với tình hình trên địa bàn Hà Nội. Nhìn nhận thực tế, rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trên toàn thành phố, nhằm nâng chất lượng, hiệu quả công tác là vấn đề được đặt ra hiện nay.
Chủ động nắm tình hình, đáp ứng yêu cầu tại cơ sở
Sau gần 2 năm bố trí công an chính quy tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) và gần đây nhất là tại 23 xã thuộc 13 huyện trên địa bàn thành phố vào tháng 4-2019, Thượng tá Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố Hà Nội) đánh giá, công an chính quy tại các xã đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công an các xã cũng đã chủ động tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình địa bàn, quản lý tốt số đối tượng trong diện quản lý và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật trong quản lý đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu…
Là địa bàn đầu tiên tại huyện Chương Mỹ được bố trí 8 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy, xã Quảng Bị trong 4 tháng trở lại đây cũng đã có chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng Công an huyện Chương Mỹ cho biết, để lực lượng công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Chương Mỹ và cấp ủy, chính quyền xã Quảng Bị đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác. Đồng thời vừa qua, Đảng ủy xã đã thành lập Chi bộ Công an xã Quảng Bị với tổng số 7 đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên trong lực lượng công an xã. Những kinh nghiệm ở Quảng Bị sẽ là tiền đề quan trọng để Chương Mỹ tiếp tục đưa công an chính quy về các xã khác trong thời gian tới.
Từ tháng 4-2019, huyện Mê Linh cũng được bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã tại 3 xã. Thượng tá Đỗ Sỹ Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Mê Linh đánh giá, lực lượng công an xã chính quy đã chủ động nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân, góp phần quan trọng tạo chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Sỹ Dũng, quan điểm của Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh là đồng tình ủng hộ, thống nhất cao với đề án bố trí công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh của công an xã. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho lực lượng công an xã chính quy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nếu triển khai đồng loạt đối với tất cả các xã sẽ có khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp công việc khác đối với các chức danh Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã bán chuyên trách.
Tiếp tục mở rộng địa bàn áp dụng
Nhìn nhận những tồn tại, hạn chế qua công tác bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trong thời gian vừa qua, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, Công an thành phố sẽ cung cấp đầy đủ các trang thiết bị cho công an các xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, các đơn vị phải bảo đảm nhanh chóng ổn định tổ chức, bắt tay ngay vào công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã được đánh giá là phù hợp với tình hình hiện nay. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Đặng Ngọc Quyền, là địa bàn giáp ranh với nhiều quận, huyện, tốc độ đô thị hóa nhanh, phát sinh nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự nhưng trọng trách giữ gìn an ninh, trật tự hiện đang được đặt lên vai lực lượng công an xã bán chuyên trách và tự quản chỉ có 13 người. Bên cạnh sự thiếu hụt về nhân sự, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng công tác giải quyết, xử lý các vụ việc của lực lượng công an xã vẫn còn nhiều hạn chế… Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại một số địa bàn ở Thạch Thất, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đông Anh, Mê Linh…, những nơi có nhiều dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp đang hoạt động.
Được biết, sau 24 xã thuộc 14 huyện, vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo xin ý kiến UBND thành phố về việc bố trí công an chính quy tại 6 xã thuộc huyện Hoài Đức. Về vấn đề này, Đại tá Đỗ Đức Quang, Trưởng Công an huyện Hoài Đức thông tin, chủ trương đưa công an chính quy về xã là rất đúng thời điểm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự từ cơ sở. Cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất đã được công an huyện chuẩn bị sẵn sàng.
Nhằm tiếp tục triển khai ra toàn địa bàn thành phố, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, sau huyện Hoài Đức, Công an thành phố tiếp tục lựa chọn 112 xã thuộc 17 huyện, thị xã để bố trí công an chính quy. Công an thành phố cũng lựa chọn mô hình Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và một số công an viên là công an chính quy với số lượng từ 5 cán bộ, chiến sĩ trở lên. Các chức danh khác là lực lượng bán chuyên trách. Còn lại 244 xã, Công an thành phố sẽ triển khai trong giai đoạn tiếp theo và hoàn thành trước thời gian tiến hành đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.