(HNM) - Từ những vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) tồn đọng mà Báo Hànộimới đã thông tin trong các số báo trước, có thể nhận thấy: Giải quyết KNTC không là việc của riêng một cấp, một ngành nào mà cần có sự phối hợp tích cực, đồng bộ của nhiều đơn vị chức năng.
Bên cạnh đó, yêu cầu nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC từ cơ sở; tuyên truyền các quy định pháp luật hiện hành đến từng người dân; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện của các cơ quan chức năng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết KNTC tồn đọng trên địa bàn.
Khiếu nại, tố cáo tại nhà số 38 Hàng Giầy sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện theo quyết định của thành phố. |
Có địa phương vẫn "lơ là"
Theo Báo cáo số 59/BC-HĐND của HĐND TP Hà Nội ngày 31-10-2013 về kết quả giám sát, giải quyết KNTC tồn đọng theo Nghị quyết 22/2009/NQ-HĐND; từ ngày 19-9-2013 đến ngày 19-10-2013, Ban Pháp chế - HĐND TP Hà Nội đã giám sát trực tiếp tại UBND quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy và giám sát qua báo cáo, hồ sơ vụ việc của 17/18 quận huyện, thị xã bao gồm Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Tây Hồ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thường Tín, Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Hoài Đức. Riêng UBND huyện Từ Liêm không có báo cáo về công tác giải quyết KNTC còn tồn đọng trên địa bàn huyện. Về việc này, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã kiến nghị UBND huyện Từ Liêm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc không gửi báo cáo kết quả giải quyết KNTC tồn đọng theo yêu cầu của Ban Pháp chế, nhanh chóng rà soát báo cáo kết quả về ban để phục vụ công tác theo dõi, tổng hợp chung.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác giải quyết KNTC tồn đọng trên địa bàn thời gian qua, ông Nguyễn Nguyên Quân - Phó Trưởng ban Pháp chế - HĐND thành phố cho biết, sau một năm hợp nhất, mở rộng Thủ đô, qua công tác theo dõi, giám sát, Ban Pháp chế nhận thấy có quá nhiều vụ việc KNTC tồn đọng kéo dài, trong đó nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn không được thực hiện triệt để. Phần lớn các vụ việc này đều phức tạp, nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai, kéo dài qua nhiều thời kỳ, các chính sách, quy định đã thay đổi. Nhằm thúc đẩy công tác giải quyết KNTC tồn đọng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, ngày 11-12-2009, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND, thống kê 176 vụ việc KNTC tồn đọng phức tạp, đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thực hiện triệt để. Sau bốn năm đôn đốc, giám sát, đến nay đã có 160/176 vụ việc được xử lý dứt điểm, trong đó riêng năm 2013 giải quyết xong 6 vụ việc. Tuy nhiên, trong năm 2013 trên địa bàn thành phố cũng đã phát sinh nhiều vụ việc KNTC phức tạp, Ban Pháp chế đã lựa chọn giám sát 8 vụ việc chuyển UBND quận, huyện giải quyết theo thẩm quyền, hiện mới giải quyết xong 1 vụ.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, tiến độ giải quyết KNTC tồn đọng theo Nghị quyết số 22 còn chậm. Đến nay ngoài hai vụ thuộc thẩm quyền của các bộ, còn 14 vụ việc thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện và trách nhiệm phối hợp giải quyết của các sở ngành chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác phối hợp của các sở ngành, nhất là Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường với UBND các quận huyện chưa kịp thời. Thậm chí việc giải quyết đơn thư KNTC của công dân do Thường trực HĐND, Ban Pháp chế chuyển đến các địa phương như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Mê Linh, Cầu Giấy trong năm 2013 thì có đến 5/7 vụ việc giải quyết chưa bảo đảm quy định của Luật KNTC, để kéo dài quá thời hạn luật định.
Về kết quả còn hạn chế trong công tác giải quyết KNTC của một số địa phương xin nêu một số vụ việc điển hình mà Ban Pháp chế HĐND trực tiếp giám sát thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm: Vụ việc tại 36 Hàng Giầy, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Trong vụ việc này, UBND phường Hàng Buồm và các ngành chức năng quận Hoàn Kiếm chưa làm tốt việc giải quyết kiến nghị của Công ty CP Du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm, chưa thực hiện đúng quy trình về xử lý vi phạm TTXD tại 38 Hàng Giầy từ năm 2007, dẫn đến khiếu kiện kéo dài (không thiết lập hồ sơ lấn chiếm diện tích nhà ở, hồ sơ vi phạm TTXD của hộ gia đình ông Tạ Bảo Thạch và bà Tạ Thị Bảo Kim mà mới chỉ xử lý vi phạm TTXD của Công ty CP Du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm). Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chưa phối hợp tốt với UBND quận Hoàn Kiếm trong việc thực hiện quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 4-11-2008 của UBND TP Hà Nội về giải quyết đơn khiếu nại của ông Tạ Bảo Thạch và bà Tạ Thị Bảo Kim.
Một vụ việc "nóng" khác xảy ra từ cuối năm 2012 trên địa bàn quận Cầu Giấy gây bức xúc trong dư luận, đó là vụ việc xây dựng không phép tại lô đất NO4-X phố Nghĩa Tân thuộc phường Dịch Vọng Hậu. Báo cáo của HĐND TP Hà Nội nhận định, UBND phường Dịch Vọng Hậu, các ngành chức năng và UBND quận Cầu Giấy đã thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm TTXD đô thị của Công ty CP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng INDECO khi xây dựng không phép hai ngôi nhà trên diện tích lên đến 1.700m2. Vi phạm được phát hiện và đình chỉ xây dựng từ tháng 11-2012 khi chủ đầu tư mới xây dựng phần móng nhưng đã không bị xử lý, dẫn đến công trình đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Sau 7 lần gia hạn thực hiện kế hoạch cưỡng chế cho công ty tự phá dỡ, đầu tháng 11-2013 các lực lượng chức năng của phường Dịch Vọng Hậu và quận Cầu Giấy mới tiến hành cưỡng chế phá dỡ nhưng đến nay công trình này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Vấn đề cốt lõi: Ý thức trách nhiệm
Như đã phân tích ở trên, các vụ KNTC tồn đọng chủ yếu liên quan đến đất đai, diễn ra từ nhiều năm trước; cơ chế chính sách và các văn bản áp dụng pháp luật có nhiều thay đổi, hồ sơ, tài liệu bị thất lạc hoặc không đủ căn cứ xem xét, giải quyết nên việc thẩm tra, xác minh của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Tuy nhiên, để dẫn đến tình trạng tồn đọng trong công tác giải quyết KNTC như hiện nay, cần phải kể đến các nguyên nhân từ chính những cấp có thẩm quyền giải quyết, chủ yếu là UBND các quận, huyện, thị xã chưa tập trung, quyết liệt. Bên cạnh đó các sở, ngành chưa thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp, xem xét trả lời các đề nghị, kiến nghị của UBND cấp huyện về những vấn đề chuyên môn có liên quan để chính quyền địa phương có căn cứ giải quyết. Đơn cử như trường hợp người dân cụm chùa Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân tố cáo chính quyền cơ sở có biểu hiện bao che cho ông Nguyễn Đình Phú lấn chiếm đất công, xây dựng không phép. Ngày 15-10-2012, UBND quận Thanh Xuân có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường sớm có kết quả xác định thửa đất số 345, diện tích 190m2, tờ bản đồ F48A-104-04 đo năm 1995 phường Nhân Chính có ký hiệu CgCg là loại đất gì. Thế nhưng cho đến nay, UBND quận Thanh Xuân chưa nhận được văn bản phúc đáp của Sở Tài nguyên - Môi trường nên chưa có cơ sở để giải quyết vụ việc.
Một nguyên nhân khác khá quan trọng chính là yếu tố con người. Đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tiếp dân, trực tiếp giải quyết KNTC còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, ý thức trách nhiệm chưa cao, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trong giải quyết KNTC. Đây là nguyên nhân xuyên suốt nhiều vụ việc giải quyết KNTC thời gian qua, thậm chí chính những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao lại làm việc tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm khiến việc giải quyết KNTC trở nên phức tạp, kéo dài như vụ việc tại số 6 Lý Thường Kiệt.
Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận huyện, Thanh tra thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ KNTC tồn đọng kéo dài, được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ xử lý vi phạm TTXD tại lô đất NO 4 X phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thực hiện nghiêm Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 4-11-2008 của UBND TP Hà Nội tại số 38 Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm; xem xét việc thu hồi 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên; xem xét trả lời đề nghị của UBND thị xã Sơn Tây về việc của bà Phan Thị Quán ở số 35 phố Cầu Trì, phường Sơn Lộc …
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.