Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Mai Hữu| 24/07/2022 06:18

(HNM) - Trong quá trình xây dựng dự thảo và đề xuất cơ chế, chính sách, UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo và Tổ công tác sửa đổi Luật Thủ đô đã nhận được rất nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội. Qua đó, nhằm hoàn thiện dự thảo luật, đóng góp vào nỗ lực chung xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, trong quá trình phát triển cần gìn giữ và phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Trong ảnh: Múa tế tại đền Quán Thánh (quận Ba Đình).

Phải có cơ chế riêng, đặc thù

Cơ bản đồng tình với quy định việc tổ chức chính quyền Thủ đô trong chính sách sửa đổi Luật Thủ đô, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ đề xuất thêm một phương án khác về mô hình tổ chức chính quyền là bỏ HĐND cấp quận, huyện và giữ lại HĐND cấp phường, xã, thị trấn bởi cấp xã, phường, thị trấn là nơi gần dân, sát dân nhất, trong khi đó cấp quận, huyện chỉ là cấp trung gian.

Đề xuất phân cấp, phân quyền cho Thủ đô là vấn đề quan trọng, ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng cần cân nhắc việc Thường trực HĐND được quyết định một số vấn đề giữa hai kỳ họp; tăng tính chuyên nghiệp cho HĐND bằng cách tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, hoạt động thường xuyên hơn (có thể mỗi quý một kỳ họp). “Như vậy sẽ bảo đảm nguyên tắc hoạt động của HĐND thành phố tốt hơn là trao cho Thường trực HĐND các quyền trên, trừ các vấn đề có tính cấp bách, đột xuất”, ông Đinh Dũng Sỹ nhận định.

Đồng tình với cơ chế phân cấp, phân quyền, trao quyền cho người đứng đầu được thể hiện rất rõ trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, HĐND không được quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thì HĐND cũng không có ý nghĩa. 

Còn đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của Thủ đô phải khác với các địa phương khác. “Nếu chỉ dựa trên cơ chế chung thì không phải đặc thù, mạnh dạn trao quyền cho người đứng đầu song song với xử lý nghiêm vi phạm trong phân cấp, phân quyền”, ông Nguyễn Hữu Chính nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội hơn là trung tâm kinh tế để có định hướng phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách cần cân nhắc tính dài hạn; chính sách của Thủ đô cũng cần bảo đảm quan hệ chặt chẽ đến các chính sách của các địa phương khác... Bài toán của Thủ đô không thuần túy là quản trị đô thị, mà phải bảo đảm phát triển đa dạng, bền vững.

Trong chính sách về giáo dục, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đánh giá, việc chính sách sửa đổi Luật Thủ đô cho phép thành phố được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao hiểu biết và lưu truyền những kiến thức, giá trị, nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Đoài đặc trưng riêng có. “Đây là những thông tin, kiến thức văn hóa chưa có điều kiện để phản ánh đầy đủ trong khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc điều chỉnh, bổ sung còn góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới...”, ông Nguyễn Quang Tuấn nói.

Đối với chính sách khoa học, công nghệ trong sửa đổi Luật Thủ đô, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Hoàng Xuân Long cho rằng, cần làm rõ mục tiêu, định hướng “Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”, từ đó mới đưa ra giải pháp chính xác. Theo ông, Hà Nội nên tập trung vào “chính sách vượt trội” chứ không nên tập trung vào “chính sách đặc thù” khi trong thời gian tới, chính sách chung của quốc gia sẽ có nhiều thay đổi nên xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, nếu không sẽ lỗi thời, lạc hậu.

Cho rằng Thủ đô là nơi có điều kiện thuận lợi phát triển khoa học, công nghệ, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí nhận định, thành phố đang chỉ dừng ở mức “làm khoa học, công nghệ để ứng dụng chứ chưa thể thương mại hóa”. Do đó sửa đổi Luật Thủ đô cần có cơ chế phát triển ngành này theo hướng thương mại hóa, đem lại nguồn thu lớn cho thành phố. Đối với cơ chế, chính sách về y tế, ông Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm quá trình sửa đổi luật cần tập trung vào 4 vấn đề, gồm: Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô gần dân hơn, tập trung hơn, chuyên sâu hơn và phát triển mạnh mẽ khám, chữa bệnh từ xa.

Liên kết quy hoạch để phát triển đồng đều, bền vững

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, đối với phát triển, cải tạo, chỉnh trang đô thị, đây là chính sách có tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành và được quy hoạch cụ thể trong nhiều điều của Luật Thủ đô năm 2013. Trong nghiên cứu đề xuất sửa đổi luật lần này, đã thể hiện cụ thể, tuy nhiên theo ông Đào Ngọc Nghiêm, trong đề xuất còn thiếu vắng một số chính sách đặc thù được xác định trong định hướng phát triển Thủ đô như phát triển đô thị mới, đô thị vệ tinh, đô thị thông minh; phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô; quản lý, phân bố dân số. Bên cạnh đó cũng cần xem xét, điều chỉnh một số đề xuất như chính sách liên kết vùng không nên chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô vì Hà Nội còn được xác định vai trò với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định, liên kết vùng là chính sách có tính đặc thù với Thủ đô Hà Nội. “Theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 để phát triển tổng thể, hữu cơ thành một thể thống nhất các vùng nêu trên cần xác lập vai trò Thủ đô trong quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, liên kết các tỉnh trong vùng và điều phối phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, quản lý phân bổ dân cư, phát triển đô thị bền vững”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh đánh giá, chính sách “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô” là quan điểm lớn, sâu rộng. Trong đó, liên quan quản lý biệt thự cũ, nhà trong khu vực nội đô lịch sử, danh mục biệt thự cũ của Hà Nội có hơn 1.200 nhà. Qua rà soát, Sở Xây dựng đề xuất 2 giải pháp, trong đó, có giải pháp được phép bán, cho thuê một số nhà cũ nằm trong danh mục 292 nhà phải bảo tồn. Ngoài ra, rất nhiều nhà sở hữu của người dân đang xuống cấp, trong khi người dân không có cơ chế, nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, do đó cần phải có nguồn lực hỗ trợ người dân chỉnh sửa, cải tạo...

Đóng góp về phần chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Trần Danh Lợi đề xuất, thành phố phải nhanh chóng có quy hoạch cho không gian ngầm để kêu gọi đầu tư hệ thống đỗ xe. Trước mắt có thể làm ngay bãi đỗ xe ngầm 3-5 tầng tại sân bay Nội Bài; đồng thời xây dựng bãi đỗ xe ngầm dưới Công viên Thống Nhất, Công viên Hòa Bình… Tại các nhà cao tầng cần có thiết kế không gian ngầm cho các tuyến tàu điện ngầm đi qua, nhất là các khu đô thị lớn.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, việc tổ chức không gian đô thị và quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế. Ngoài ra, tại Hà Nội nhiều khu đô thị mới xây dựng nhưng cứ mưa là ngập do chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoặc thiếu sân chơi vườn hoa, sân tập, trạm y tế, trường học, cây xanh,… do các chủ đầu tư chậm thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Những nội dung trên là bất cập trong thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch của thành phố và cần được lưu ý sửa đổi trong Luật Thủ đô.

Về chính sách đối với môi trường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) Trần Đức Hạ kiến nghị, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ nguyên tắc tiếp cận để quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường nước, tạo điều kiện xây dựng một kế hoạch tổng hợp quản lý hệ thống nước bền vững cho Hà Nội với đa mục tiêu: Bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các giải pháp quản lý tài nguyên nước trung hạn và dài hạn dựa trên các yêu cầu về quy hoạch, điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội, có tính đến sự biến đổi khí hậu…

Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nêu trên sẽ góp phần để Ban Soạn thảo cân nhắc, đưa vào nội dung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trong các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đề ra nội dung chủ động phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2022 để đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.