(HNM) - Dự kiến, Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII sẽ thông qua Luật Khoáng sản (sửa đổi) với đề xuất là giảm quyền cấp phép khai thác khoáng sản (KTKS) của địa phương và quyền lợi của nhân dân vùng có KTKS sẽ được quy định cụ thể. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc sẽ thực hiện đấu giá quyền KTKS.
Đấu giá trên cơ sở định giá
Trong góp ý cho dự thảo lần 7 về Luật Khoáng sản, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) cho rằng, cần bổ sung các quy định về định giá quyền KTKS. Bởi quy định về đấu giá quyền KTKS theo dự thảo là không chặt chẽ, không khả thi và dễ dẫn đến tiêu cực do thiếu hoặc không có các quy định về định giá quyền KTKS đối với mỏ cụ thể.
Tại hội thảo "Lựa chọn chính sách quản trị tài nguyên khoáng sản" (TNKS) tổ chức gần đây, ông Nguyễn Chí Quang (ĐH Mỏ - Địa chất) cho rằng, cần phải định giá nguồn TNKS xem giá trị là bao nhiêu, từ đó Nhà nước mới có thể quản lý chặt chẽ được nguồn tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Đây là câu chuyện mới tại Việt Nam vì kinh tế tài nguyên chưa được coi là ngành đào tạo độc lập trong các trường ĐH. Vấn đề đặt ra ở đây là định giá khoáng sản sẽ thực hiện theo phương thức nào?
Hiện trường vụ khai thác vàng trái phép tại tỉnh Hà Giang. |
Ông Đặng Xuân Minh (Công ty AVM Advisory & Avalue) cho biết, trên thế giới, công tác định giá khoáng sản đã được tiến hành từ khá lâu và hiện có 5 tiêu chuẩn, gồm tiêu chuẩn Canada, Australia, Nam Phi, Mỹ và tiêu chuẩn định giá quốc tế được nhiều nước áp dụng mà Việt Nam có thể tham khảo áp dụng. "Thế giới đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc định giá tài nguyên thông qua thị trường chứng khoán. 65% tập đoàn KTKS lớn đã niêm yết và tham gia thị trường chứng khoán Toronto (Canada) và nguồn vốn đầu tư mở mỏ mới chủ yếu được lấy từ đây thay vì vay ngân hàng như ở Việt Nam. Trung Quốc cũng đã đưa nguồn TNKS lên thị trường chứng khoán. Muốn thực hiện được định giá thì phải biết trữ lượng có bao nhiêu trên cơ sở nghiên cứu dựa theo tiêu chuẩn quốc tế chứ không thể là tiêu chuẩn địa chất riêng như của Việt Nam hiện nay " - ông Nguyễn Chí Quang bổ sung thêm.
TS Lê Ái Thụ (Phó Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam) cho rằng, định giá mỏ khoáng sản hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên những căn cứ về địa chất, kỹ thuật; các thông số về vốn đầu tư, giá thành sản phẩm... Để cụ thể hóa chính sách kinh tế trong lĩnh vực khoáng sản, chúng ta cần thiết phải xây dựng nguyên tắc và phương pháp định giá TNKS chưa khai thác. Đó là một trong những căn cứ quan trọng để tổ chức đấu giá quyền KTKS, xác định thuế chuyển nhượng quyền KTKS. Đó cũng là căn cứ nhằm xác định phần góp vốn của Nhà nước bằng TNKS chưa khai thác trong trường hợp hợp tác liên doanh khai thác, cổ phần hóa các doanh nghiệp KTKS, xử lý tài sản khi các doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc bán doanh nghiệp...
Cần một cơ quan giám sát độc lập
Cũng tại hội thảo nêu trên, ông Vũ Mạnh Hùng (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) cho biết, hiện nay, ngoài thuế tài nguyên doanh nghiệp không phải nộp thêm gì, trong khi được giao khai thác và sử dụng toàn bộ tài nguyên. Như vậy, không có sự cân bằng về lợi ích. Nếu chỉ tính đến lợi ích nhóm trong KTKS: nhà quản lý chỉ nghĩ làm thế nào để thu cho nhiều, doanh nghiệp tính toán thu về lãi lớn nhất; dân có tiền và không xáo trộn cuộc sống, thì sẽ rất khó để phát triển. Bởi thế, cần thiết phải có một cơ quan giám sát độc lập, kiểm soát từ quy hoạch đến cấp phép KTKS.
Đáng lưu ý là hiện còn có sự chưa ăn khớp giữa các luật có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Thuế tài nguyên và Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường với sự phân công, phân cấp giữa các cấp chính quyền Trung ương và địa phương. Do đó, không thể chậm trễ trong việc sửa đổi luật để ngăn chặn nạn tàn phá môi trường, nạn bán giấy phép khai thác cũng như giám sát quy định trách nhiệm với từng cá nhân.
Ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo dự thảo Luật Khoáng sản, thời gian tới các địa phương sẽ không còn nhiều đặc quyền trong cấp phép KTKS như hiện nay. Địa phương sẽ được giữ nguyên thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhưng sẽ không giao cho UBND cấp tỉnh cấp phép KTKS ở những khu vực ngoài quy hoạch khoáng sản của cả nước và ngoài khu vực dự trữ TNKS quốc gia.
Rõ ràng, việc khai thác, quản lý TNKS ở Việt Nam cần chuyển mạnh từ hoạt động theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu nhằm tiết kiệm tối đa trong khai thác tài nguyên; tăng cường đầu tư KHCN và chế biến sâu để bảo đảm giá trị gia tăng cho các sản phẩm khai thác và chế biến từ khoáng sản, phục vụ chủ yếu cho sản xuất trong nước. Nếu phát triển dựa vào tài nguyên và kỳ vọng quá nhiều vào đó, Việt Nam có thể sẽ rơi vào "bẫy" và "lời nguyền tài nguyên" mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã mắc phải.
"Lời nguyền tài nguyên" được định nghĩa là hiện tượng nhiều nước giàu tài nguyên thiên nhiên lại có xu hướng phát triển kinh tế chậm hơn các quốc gia không có tài nguyên đáng kể. Châu Phi là minh chứng rõ nhất cho điều này. Lục địa giàu có TNKS vẫn đang đối mặt với đói nghèo, bệnh dịch, chiến tranh… Congo, Anggola, Sudan, Nigieria trải qua những xung đột sắc tộc, nội chiến tranh giành quyền lực và tài nguyên. Ngược lại, một số quốc gia khác dù thiếu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có nhiều thành công trong phát triển kinh tế. Các quốc gia và vùng lãnh thổ được mệnh danh là "những con hổ châu Á" (Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan) đã đạt được thành tích tăng trưởng kinh ngạc mặc dù không có được nguồn dự trữ tài nguyên nhiên nhiên đáng kể. Nguồn: Trung tâm Con người và Thiên nhiên |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.