(HNM) - Từ lâu, bài toán làm sao để nâng chất lượng cho y tế cơ sở luôn được đặt ra và tìm giải pháp tháo gỡ. Hà Nội đang hướng đến những giải pháp căn cơ, tập trung nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, để tuyến y tế này được thể hiện đúng vai trò của mình trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Nếu trạm y tế được đầu tư, chúng tôi sẽ làm được...”
Khi thực hiện loạt bài viết này, phóng viên Báo Hànộimới đã tiếp cận, trao đổi với nhiều cán bộ, nhân viên tại các trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn Thủ đô. Đề cập đến việc, vì sao lâu nay người dân không mặn mà với tuyến y tế cơ sở, phóng viên đều nhận được câu trả lời từ chính những người trong cuộc: “Làm việc tại trạm y tế, đa phần chúng tôi chỉ tiếp cận với những bệnh đơn giản, thông thường, không được thực hiện những kỹ thuật cao hay được va vấp với đa dạng các bệnh như ở bệnh viện, do đó trình độ chuyên môn cũng bị ảnh hưởng. Nếu trạm y tế được đầu tư, có thêm nhân lực và trang thiết bị chắc chắn chúng tôi sẽ làm được”. Thực tế cũng đã chứng minh những gì họ nói là có cơ sở.
Trước đây, trung bình tại mỗi trạm y tế trên địa bàn huyện Phú Xuyên chỉ tiếp nhận từ 5 đến 10 lượt người/ngày, thì nay đã tăng lên 30-40 lượt người/ngày. Bà Lại Thị Dua ở thị trấn Phú Xuyên chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến khám và điều trị tại Trạm Y tế thị trấn Phú Xuyên. Tôi thấy bệnh tình chuyển biến khá tốt. Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ rất nhiệt tình, tận tâm, chăm sóc bệnh nhân chu đáo”.
Để có được sự tin tưởng của người dân, theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên Tiêu Ngọc Chiến, từ năm 2019, các trạm y tế trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
“Nhờ có sự hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật của các bác sĩ bệnh viện đầu ngành: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Phú Xuyên…, nhân viên tại các trạm y tế đã được nâng cao tay nghề. Giờ đây, người dân được tiếp cận nhiều kỹ thuật y tế ngay tại trạm y tế: Siêu âm, điện tim, các kỹ thuật về y học cổ truyền…, mà không phải đến bệnh viện”, bác sĩ Tiêu Ngọc Chiến nói.
Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn gồm có 26 trạm y tế xã, thị trấn và 5 phòng khám đa khoa. Trong những năm qua, một số trạm y tế xã đã được đầu tư xây mới, khang trang. Bên cạnh đó, tại 5 phòng khám đa khoa còn được đầu tư trang thiết bị hiện đại: Máy điện tim, máy siêu âm màu 4D, máy chụp X-quang kỹ thuật số…
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cũng đã liên kết với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn… để chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở. Kết quả, trong quý I-2022, tại đây đã khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 80.000 lượt bệnh nhân; thực hiện thủ thuật cho 19.206 lượt bệnh nhân…
Những giải pháp căn cơ, lâu dài
Để tiếp sức cho y tế cơ sở phát triển, ngày 8-4-2022, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố”.
Trong Nghị quyết số 02/NQ-HĐND có đưa ra kế hoạch dự kiến của thành phố hỗ trợ cho các huyện, thị xã đầu tư nâng cấp y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, sẽ có 198 trạm y tế được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới với tổng mức đầu tư là hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố dự kiến hỗ trợ gần 1.453 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trạm y tế đang phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng, là nơi gần dân nhất và cũng là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay cần phải đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các trạm y tế không bảo đảm chất lượng, đã xuống cấp.
Bên cạnh đó, vấn đề về nhân lực y tế được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở. Sở Y tế Hà Nội đề xuất thành phố có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở, như: Hỗ trợ kinh phí một lần khi đăng ký về làm việc tại trạm y tế, hỗ trợ tăng thu nhập hằng tháng. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách cho phép trung tâm y tế tuyển dụng thêm lao động và được chi trả từ nguồn ngân sách thành phố. Đối với xã, phường, thị trấn có quy mô dân số trên 25.000 dân, thì cứ thêm 2.000-3.000 dân được bổ sung thêm 1 nhân viên y tế và cứ trên 10 cán bộ y tế được tuyển dụng từ 2 bác sĩ trở lên.
“Đây là giải pháp căn cơ, cụ thể góp phần quan trọng, nhằm ổn định nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở. Không thể xây dựng một trạm y tế to đẹp, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, mà không đủ đội ngũ nhân viên y tế để vận hành và quản trị”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Để thu hút nhân lực về làm việc, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Hải kiến nghị thời gian tới sẽ có những chế độ, chính sách, giải pháp tăng thu nhập cho cán bộ y tế cơ sở. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để có thể nâng cao được chất lượng y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt nhất, nhanh nhất và thuận lợi nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.