(HNM) - Năm học 2016-2017 được trông đợi sẽ có những chính sách mang tính đột phá trong việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học (ĐH). Trong đó, then chốt là những đổi mới về vai trò của cơ quan chủ quản cũng như công tác thi cử, tuyển sinh và việc tự quyết định mức tăng học phí gắn với chất lượng đào tạo...
Thêm quyền tự chủ…
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014: Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, đến nay việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nghị quyết 77 đã tạo động lực mạnh mẽ để giáo dục ĐH phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Từ 4 trường đăng ký ban đầu, hiện nay đã có 15 trường ĐH công lập đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Phần lớn trong số đó là các trường thuộc khối kinh tế hoặc đa ngành.
Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử tại Khoa Sinh học, Trường Đại học KHTN - ĐH QGHN. Ảnh: Bích Ngọc |
Mặc dù không còn được bao cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, với cơ chế tự chủ, các trường này có được một lộ trình tăng học phí với mức cao hơn so với các trường công lập khác và được gửi tiền ở ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất. Đặc biệt, việc tự chủ đã tạo ra cơ chế thông thoáng hơn trong các hoạt động như xây dựng chương trình đào tạo, liên kết hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, thu chi tài chính và thu hút nhân lực. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích tất cả các trường đủ điều kiện có thể xây dựng và trình đề án thực hiện tự chủ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 vừa qua, với nhiều điểm mới, đã ghi nhận bước tiến trong tự chủ tuyển sinh của các trường. Các trường ĐH đã tự xây dựng các phương thức tuyển sinh, cách thức xét tuyển. Trường ĐH Quốc gia Hà Nội có phương án tuyển sinh hoàn toàn độc lập với Bộ GD-ĐT, cách thức và khung thời gian riêng.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hoạt động giao quyền tự chủ trong năm học vừa qua còn nhiều hạn chế, do hầu hết các trường được phê duyệt đề án trong năm 2015, thời gian thực hiện ngắn. Một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, đồng thời chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, khiến việc triển khai còn nhiều lúng túng. Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện còn khó khăn do chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa nhà trường và các cơ quan quản lý. Thủ tục hành chính trong việc ký kết hợp đồng làm việc dài hạn với chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài còn nhiều phức tạp. Trong lúc các đợt xét tuyển còn chưa kết thúc, nhiều trường đề xuất có thêm quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh để giải quyết tình trạng thiếu chỉ tiêu và trúng tuyển ảo.
Quy hoạch lại mạng lưới đào tạo đại học
Sau 2 năm triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và các đợt xét tuyển vẫn đang tiếp tục, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đề xuất phương án tuyển sinh cho năm 2017. Điều đó có nghĩa, các trường sẽ được tự chủ tuyển sinh, nếu đưa ra được phương án phù hợp, đáp ứng quyền lợi của thí sinh cũng như bảo đảm quyền tự chủ của nhà trường như Luật Giáo dục đã nêu.
Theo Nghị định số 86/CP của Chính phủ, từ năm học 2015-2016, các chương trình đào tạo tại các trường ĐH được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, mức trần thấp nhất là 17,5 triệu đồng/năm cho các ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật; Nông, lâm, thủy sản. Việc được thu học phí theo mức mới, một mặt giúp nhà trường có thêm điều kiện cải thiện cơ sở vật chất phục vụ người học, mặt khác có thể thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, học bổng khuyến khích học tập. Tuy nhiên, điều mà xã hội quan tâm là liệu chất lượng đào tạo có theo kịp lộ trình tăng học phí? Đó cũng là một bài toán khó mà các cơ sở giáo dục đại học phải đối mặt. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những trường được giao quyền tự chủ đã có cơ sở để triển khai tăng học phí. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền tự chủ của các trường, nhất là về các mặt thu chi cũng như mở ngành, liên kết đào tạo.
Năm học 2016-2017 được trông đợi sẽ có những chính sách mang tính đột phá trong việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH như khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi nói về định hướng phát triển của Bộ GD-ĐT để phát triển nền giáo dục Việt Nam. Trong số 8 vấn đề trọng tâm cần giải quyết, việc đầu tiên là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là mạng lưới các trường ĐH, cao đẳng (CĐ). Số trường ĐH, CĐ thành lập khá nhiều, đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Do đó phải quy hoạch, kiểm định lại, những trường nào thật sự chuẩn ĐH, đầu tư có chất lượng thì đầu tư thêm; những trường yếu kém có thể sáp nhập, giải tán hoặc trở thành phân hiệu của một trường nào đó. Tự chủ ĐH chính là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Các trường ĐH, CĐ cần tiên phong thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo theo chuẩn ASEAN và thông báo công khai kết quả kiểm định cho xã hội biết. Đó cũng là cơ sở để Bộ GD-ĐT quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo ĐH cho phù hợp hơn. Những trường có năng lực cao, giải trình tốt sẽ sớm được tự chủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.