(HNM) - Một lãnh đạo huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) để lộ thông tin về người tố cáo nhưng chỉ bị nhắc nhở rút kinh nghiệm. Có ý kiến cho rằng, mức phạt trên quá nhẹ, cộng với việc chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), khiến việc giải quyết KNTC không minh bạch, khó khuyến khích người dân chống tiêu cực…
Vi phạm quy định bảo vệ người tố cáo
Ngày 25-4-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký Quyết định số 709 về việc thụ lý và giao Thanh tra tỉnh xác minh, kết luận nội dung công dân tố cáo ông Lưu Xuân Vượng, Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Thế có sai phạm trong quá trình giải quyết đơn, thư tố cáo của công dân.
Theo kết luận, ông Lưu Xuân Vượng vi phạm Khoản 3, Điều 8, Luật Tố cáo khi 2 lần để lộ danh tính người tố cáo. Cụ thể, tháng 11-2013, ông Đỗ Viết Sơn, trú tại phố Hòa Bình, thị trấn Bố Hạ gửi đơn tố cáo tới UBND thị trấn Bố Hạ về việc ông Lê Quang Hòa trú tại phố Gia Lâm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Sau đó, Chủ tịch UBND thị trấn ban hành Kết luận số 03, nhưng ông Sơn không đồng ý với kết luận này và có đơn tố cáo gửi Chủ tịch UBND huyện Yên Thế.
Theo quy định, nội dung tố cáo này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, song Thanh tra huyện lại tham mưu cho ông Lưu Xuân Vượng - lúc này là Chủ tịch UBND huyện Yên Thế ban hành Công văn 59/UBND-TT ngày 11-2-2014 giao Chủ tịch UBND thị trấn Bố Hạ giải quyết đơn kiến nghị của công dân, trong đó nêu rõ cả họ, tên, địa chỉ của người tố cáo.
Ông Đỗ Viết Sơn tiếp tục không đồng ý với giải quyết của Chủ tịch UBND thị trấn Bố Hạ và việc làm lộ thông tin cá nhân của Chủ tịch UBND huyện Yên Thế nên có đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chuyển đơn của công dân ngược xuống Chủ tịch UBND huyện Yên Thế xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trên cơ sở báo cáo kết quả xác minh của tổ công tác, ngày 29-12-2014, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đã ban hành kết luận 1086/KL-UBND. Tuy nhiên, kết luận này lại một lần nữa nêu họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, đồng thời gửi cho người bị tố cáo thay vì áp dụng biện pháp giữ bí mật thông tin về người tố cáo theo quy định.
Trước những vấn đề nêu trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu ông Lưu Xuân Vượng nghiêm túc rút kinh nghiệm; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định tập thể, cá nhân đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ban hành văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật người tố cáo.
Văn bản pháp luật và thực tiễn vẫn còn khoảng cách
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, thông thường, bất kỳ công dân nào thực hiện quyền tố cáo thì người đó đều có thể bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần từ người bị tố cáo. Năm 2009, khi Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức lễ vinh danh 88 công dân tiêu biểu chống tham nhũng, hầu hết những người được vinh danh đều nói họ từng bị trù dập, đe dọa với những cú "đòn" rất tinh vi. Trong trường hợp của ông Đỗ Viết Sơn, rất may chuyện đó chưa xảy ra.
Thế nhưng, chắc hẳn khi nắm được tường tận việc trên, sẽ thấy sự khập khiễng nếu đem so sánh mức phạt "nghiêm túc rút kinh nghiệm" đối với ông Lưu Xuân Vượng - Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Thế với sự việc ông gây ra và hành trình khiếu kiện bền bỉ, kéo dài tới nhiều cấp của ông Đỗ Viết Sơn. Điều đó phản ánh, giữa pháp luật và thực tiễn có khoảng cách khá xa. Chế định bảo vệ người tố cáo vẫn lỏng lẻo, khó đi vào cuộc sống nên mục đích khuyến khích chống tham nhũng, tiêu cực được hy vọng từ chế định này vẫn chưa đạt được như mong đợi.
Một đơn cử khác liên quan đến quyền lợi của người tố cáo, pháp luật chưa cụ thể hóa quy trình thời gian phối hợp, xác minh yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo. Điều đó có thể dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm trễ thời gian xác minh, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân của họ.
Hơn nữa, dù Quốc hội, Chính phủ xác định rất rõ tầm quan trọng của giải quyết KNTC, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ đầu nguồn đảm trách nhiệm vụ tiếp dân, xử lý đơn thư; chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết KNTC nên thông tin hai chiều giữa Ban Tiếp công dân cấp tỉnh với Ban Tiếp công dân trung ương chưa thống nhất.
Điều này làm cho quá trình giám sát, giải quyết đơn, thư tố cáo từ trung ương xuống địa phương gặp khó khăn. Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ không thể theo sát tình hình giải quyết những vụ việc cụ thể ở các sở, ngành, địa phương liên tục, để có thể "thổi còi" trong trường hợp các tỉnh, thành phố cố tình "ngâm đơn" hay xử lý không hợp lý.
Ba số máy tiếp nhận thông tin tham nhũng
Để tháo gỡ bất cập nêu trên, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vừa công bố 3 số máy để tiếp nhận thông tin tham nhũng, tiêu cực, tặng quà Tết trái quy định…, gồm các số máy: 0902.386.999; 0125.698.6688 và 080.48228. Trong đó, máy di động được mở 24/24h, trừ trường hợp bất khả kháng. Số máy cố định nhận phản ánh trong giờ hành chính.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nhìn nhận: Việc mở 3 "đường dây nóng" chống tham nhũng trong thời điểm sắp đến tết Nguyên đán 2016 là vô cùng thiết thực. Dịp cuối năm, những hành vi như hối lộ, tặng quà, sử dụng xe công trái quy định, mãi lộ… chắc chắn sẽ tăng cao. Đã có 160 cuộc gọi đến, đa phần phản ánh về lĩnh vực đất đai, xây dựng như đại gia thì xây nhà thoải mái không bị xử lý; buôn lậu ngang nhiên ở các vùng biên giới…
Khoảng 1/3 số vụ việc có thể tin tưởng, trong đó có việc người dân kiện khắp nơi nhưng chưa có kết quả. Cục Chống tham nhũng đã yêu cầu cung cấp tài liệu, gửi qua bưu điện tới đích danh Cục trưởng Cục Chống tham nhũng để phân loại, giao các bộ, ngành cơ quan liên quan, lãnh đạo địa phương xử lý đúng thẩm quyền, trong một số trường hợp sẽ lập đoàn thanh tra xử lý ngay.
Như vậy, dù rất tích cực nhập cuộc, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của Cục vẫn nặng về "kính chuyển". Do đó, mấu chốt là phải lấp những lỗ hổng pháp luật, nâng tầm cán bộ ngay từ đầu nguồn xử lý đơn, thư với chế độ đãi ngộ thỏa đáng, song song với số hóa giải quyết đơn, thư mới có thể rút ngắn quy trình, công khai diễn biến xử lý và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức liên quan trong giải quyết KNTC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.