(HNM) - Thực tế cho thấy, muốn thay đổi tập quán sản xuất thì cùng với những giải pháp đồng bộ, có hai yêu cầu rất quan trọng...
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Ảnh: Bá Hoạt |
Phát triển, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học
Để đạt được mục tiêu kiểm soát "tận gốc" sản phẩm nông nghiệp, các địa phương cần khuyến khích người dân tổ chức sản xuất theo chuỗi để giám sát từ khâu con giống tới các loại thuốc đưa vào cho cây trồng, vật nuôi. Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng khuyến nghị: Nhằm thay đổi thói quen sản xuất theo tập quán cũ của người dân, ngoài các biện pháp tập huấn, các đơn vị của ngành Nông nghiệp cần “cầm tay, chỉ việc” trong tất cả các khâu của quy trình. Chỉ như vậy, người dân mới yên tâm đầu tư. Song song với đó, cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm sinh học và khuyến cáo người dân sử dụng để giảm thiểu việc dùng thuốc hóa học. Các địa phương và ngành Nông nghiệp cũng cần hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học nhằm cải tạo đất và hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách).
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho rằng, các địa phương cần hướng nông dân đến các giải pháp an toàn và hiệu quả, thay thế cho việc sử dụng kháng sinh và các chất phụ gia bằng cách sử dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, bên cạnh việc siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp. Cách này không chỉ hạn chế dịch bệnh mà còn xử lý được chất thải, mùi hôi... Nếu thực hiện được tất cả các yếu tố đó, sẽ từng bước kiểm soát được chất lượng nông sản, thực phẩm khi lưu thông trên thị trường và truy xuất được nguồn gốc.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các đơn vị thuộc Sở đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn quy trình sản xuất an toàn cho người dân; khuyến khích nông dân coi trọng áp dụng công nghệ cao và sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn trong quản lý vật tư nông nghiệp. Nếu để xảy ra vi phạm, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, đối với các hộ buôn bán theo thời vụ trong ngõ xóm không đủ điều kiện kinh doanh, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm khắc, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục, sửa chữa.
Siết chặt quản lý
Xây dựng hướng sản xuất an toàn, bền vững trong nông nghiệp đang là vấn đề được các ngành chức năng quan tâm và vào cuộc tích cực. Tuy nhiên, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền để người nông dân nâng cao nhận thức, tự nguyện thay đổi cách thức canh tác; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Qua đó, sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.
Để từng bước kiểm soát chất lượng các mặt hàng vật tư nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về giải pháp cấp bách trong quản lý vật tư nông nghiệp. Theo đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp. Đồng thời, xử lý triệt để các "điểm nóng" sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chất tăng trọng trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm như Salbutamol, Aurmine, Cysteamine và các hóa chất, kháng sinh khác trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Để kiểm soát "tận gốc" chất lượng sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường, điều quan trọng là phải kiểm soát được tình trạng buôn bán, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp của doanh nghiệp và người dân. Trước hết, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, danh mục lưu hành đối với các cơ sở, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, đối với những cơ sở gian lận địa chỉ trên bao bì sản phẩm, ngoài xử phạt hành chính, cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và công khai rõ ràng, cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các cơ quan chức năng quản lý nghiêm ngặt việc quảng cáo, tổ chức hội thảo của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, thú y, thức ăn chăn nuôi... Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, địa phương cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.