(HNM) - Tinh thần đổi mới, hướng mạnh về cơ sở đã và đang được các cấp ủy Đảng tại Hà Nội thực hiện hiệu quả xuất phát từ sự nêu gương của các đồng chí Thường trực Thành ủy và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Đảng viên phường Định Công (quận Hoàng Mai) đóng góp ý kiến tại buổi họp với Đảng ủy phường. Ảnh: Anh Tuấn |
Khơi nguồn đổi mới
Có thể thấy rõ, xu hướng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, trọng tâm là hướng mạnh về cơ sở đã định hình và được các cấp ủy thành phố tích cực thực hiện. Đây chính là kết quả mà Thành ủy Hà Nội đã quyết tâm gây dựng từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay.
Tiếp đà nhiệm kỳ trước, mỗi chỉ thị, nghị quyết được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành đều xuất phát từ kết quả đánh giá, tổng kết thực tiễn nghiêm túc, kịp thời, chính xác, thể hiện sự nhạy bén chính trị. Trong đó, phải kể đến Chỉ thị 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội”.
Sau khi chỉ thị được ban hành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy, các tổ công tác liên ngành được cử xuống địa phương vừa nắm bắt tình hình, vừa tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Nhiều địa phương từ chỗ đạt tỷ lệ cấp giấy 50-60% đã vươn lên đạt 100% trước thời hạn. Chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ ngày chỉ thị được ban hành, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thành phố đã đạt trên 90%.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ việc mất an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Với nghị quyết này, Thành ủy Hà Nội đã tạo ra nhận thức mới về tầm quan trọng của việc hướng mạnh về cơ sở.
Nhiệm vụ này được cụ thể hóa bằng yêu cầu rà soát, đánh giá tình hình mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, “chỉ mặt, đặt tên” những vấn đề phức tạp, đề ra giải pháp, xác định lộ trình giải quyết dứt điểm. Kết quả thực hiện nghị quyết là thước đo năng lực, hiệu quả công tác của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp. Nhờ đó, hơn 500 vụ việc phức tạp ở cấp xã được đưa vào danh sách kiểm soát. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 200 vụ việc đã được giải quyết, số còn lại được yêu cầu hoàn thành trong năm 2018.
Không chỉ thực hiện tốt vai trò điều hành, lãnh đạo công việc thường xuyên của Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động phân tích, dự báo và chỉ đạo xử lý kịp thời, toàn diện các mặt công tác của Đảng bộ thành phố; thường xuyên trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Từng đồng chí đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 8 chương trình công tác…
Ngoài những buổi làm việc, kiểm tra công tác của cấp ủy trực thuộc Thành ủy, các đồng chí Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đều quan tâm tới công tác xây dựng Đảng ở nơi gần dân nhất. Đầu tháng 2 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải đã dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) để trực tiếp nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên.
Mới đây Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cũng đã chủ trì buổi làm việc với tập thể Đảng ủy xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), phường Định Công (quận Hoàng Mai)... để nắm tình hình triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU. Hoạt động này chắc chắn sẽ tiếp tục được các đồng chí Thường trực Thành ủy đẩy mạnh thời gian tới.
Chú trọng bám sát cơ sở là một trong những nguyên nhân quan trọng đem lại kết quả toàn diện trên các lĩnh vực của thành phố trong năm qua, nhất là đã hoàn thành xuất sắc 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng đoàn công tác của Bộ Chính trị về dự kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao.
Tiếp tục đổi mới đồng bộ,toàn diện
Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, lãnh đạo thành phố đã chủ động chỉ ra những mặt còn hạn chế trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng mạnh về cơ sở.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, sau khi nghe các ý kiến phát biểu, đồng chí Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc, cấp ủy, chính quyền xã đã bám sát cơ sở, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 15-NQ/TU. Đồng chí nêu rõ: “Nếu ở đâu cũng quan tâm giải quyết bức xúc từ dưới cơ sở, ở thôn, không bỏ trôi đi thì không thể tích cóp thành điểm nóng”.
Nhưng trên bình diện chung toàn thành phố, kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy cũng cho thấy chưa có sự đồng bộ, toàn diện trong đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng mạnh về cơ sở của các cấp ủy Đảng. Yêu cầu đặt ra với các cấp ủy là trong năm 2017 phải giải quyết cơ bản xong các vụ việc đã được thống kê, nhưng bước sang năm 2018, số vụ việc chưa được giải quyết vẫn chiếm trên 50%, đã đặt ra thách thức rất lớn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp.
Thực tế, vẫn còn không ít cấp ủy, chính quyền chưa dốc hết lòng, hết sức để giải quyết những vấn đề từ cơ sở; vẫn còn tình trạng chưa nắm bắt, dự báo được diễn biến tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và người dân; có nơi vẫn còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm, thiếu quyết tâm.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, giải pháp thời gian tới là cấp ủy cấp trên phải tập trung sự lãnh đạo hướng về cấp cơ sở, tạo điều kiện cho cơ sở tổ chức thực hiện. Quá trình lãnh đạo nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của tổ chức, nhân dân để điều chỉnh giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc. Các cấp ủy phải chỉ đạo việc chủ động nắm bắt và dự báo tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là ở những địa bàn có vụ việc phức tạp.
Đây cũng là một phần quan trọng theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội trong thực hiện "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.