(HNM) - Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân là tất yếu trong bối cảnh nhiều bệnh viện công lập đang quá tải. Thế nhưng, nếu cơ quan chức năng không thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra, thì việc xử lý vi phạm sẽ chỉ như “ném đá ao bèo”.
Tăng nhân lực cho thanh tra y tế
Trong 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và phòng y tế các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 1.537 lượt nhà thuốc, quầy thuốc, công ty, cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, kinh doanh thuốc đông y, chăm sóc da, nhà thuốc bệnh viện, phòng khám (PK) đa khoa, PK chuyên khoa, phòng chẩn trị y học dân tộc, cơ sở chăm sóc sắc đẹp… và phạt, đình chỉ hành nghề không có giấy phép 73 cơ sở, trong đó có 38 cơ sở kinh doanh thuốc, 35 cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Những số liệu này đã cho thấy, muốn công tác quản lý cơ sở y tế ngoài công lập có hiệu quả thì phải tăng cường thanh, kiểm tra.
Người dân cần chủ động kiểm soát chi phí phải trả tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, có đúng với giá niêm yết hay không. |
Tuy nhiên, như phóng viên Báo Hànộimới đã đề cập, lực lượng thanh tra y tế nói chung, thanh tra KCB nói riêng còn quá mỏng so với khối lượng công việc yêu cầu, khiến hoạt động này chưa đạt mục tiêu đề ra.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 5 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội được tăng cường thêm lực lượng thanh tra y tế. Sở Y tế Hà Nội đang làm đề án trình Bộ Y tế đề nghị tăng lực lượng thanh tra y tế lên 32 người, trong đó lĩnh vực thanh tra KCB là 8 người (hiện tại là 3 người). Từ nay đến cuối năm, ngành y tế Thủ đô sẽ tập trung kiểm tra trọng điểm, đột xuất các cơ sở hành nghề y, dược tại các khu vực gần bệnh viện công lập. “Bên cạnh hoạt động kiểm tra theo kế hoạch, ngành còn tập trung kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở hành nghề khi có thông tin phản ánh của người dân, cơ sở có người phụ trách chuyên môn hộ khẩu ngoại tỉnh. Thanh tra Sở Y tế cũng tập trung vào công tác hậu kiểm tra, sau khi cấp phép” - ông Nguyễn Việt Cường cho biết thêm.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, sau khi cấp phép cho các cơ sở hành nghề, Sở Y tế sẽ công khai danh sách cơ sở được cấp phép lên website: www.soyte.hanoi.gov.vn, đồng thời gửi danh sách cho chính quyền, phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã để giám sát hoạt động của các cơ sở trên địa bàn. Hoạt động quản lý các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập cũng đã phân cấp: Sở Y tế quản lý chung, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ sở; UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm giám sát, quản lý hoạt động của các cơ sở trên địa bàn.
Khuyến khích người dân tham gia giám sát
Bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất: Bộ Y tế cần ban hành những chế tài đặc thù để xử lý hoạt động của các cơ sở vi phạm, nhất là các biện pháp xử phạt, tạo tính răn đe, giáo dục pháp luật như: Đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở hành nghề y, dược khi tái phạm hành vi vắng mặt bác sĩ, dược sĩ phụ trách cơ sở khám bệnh hoặc nhà thuốc; đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở vi phạm quy định về quy chế chuyên môn trong KCB và kinh doanh thuốc. Định kỳ hằng tháng, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Hà Nội cập nhật lên website của Sở Y tế Hà Nội thông tin về các cơ sở hành nghề có sai phạm, bị phạt, bị đình chỉ hoạt động…, giúp người dân dễ dàng lựa chọn khi có nhu cầu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, chính người dân - chủ thể quyết định sự tồn tại của các cơ sở KCB tư nhân, cần được khuyến khích tham gia giám sát, quản lý hoạt động KCB của các cơ sở này. Theo đó, người dân phát hiện và báo cơ quan có thẩm quyền các cơ sở hành nghề vi phạm thông qua nhiều kênh thông tin, giúp Sở Y tế có biện pháp xử lý kịp thời. “Khi đến các cơ sở y tế, PK tư nhân, chỉ cần người bệnh tự kiểm soát xem chi phí phải trả có đúng với giá niêm yết không; có bị chỉ định làm xét nghiệm không cần thiết không; bao bì, nhãn mác thuốc có rõ ràng không… và phản hồi với cơ quan quản lý những hành vi sai phạm” - ông Nguyễn Khắc Hiền đề xuất.
Sau hàng loạt các vi phạm ở PK tư nhân, Sở Y tế Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm lấp lỗ hổng trong công tác quản lý cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ; đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành. Hy vọng với những quyết tâm này, việc quản lý hoạt động KCB của các cơ sở y tế tư nhân sẽ mang lại hiệu quả, góp phần hạn chế những rủi ro, lấy lại niềm tin nơi người bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên: Phải niêm yết công khai thông tin của người hành nghề Sở Y tế cũng vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường phối hợp trong quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Sở yêu cầu các cơ sở phải niêm yết công khai thông tin của người hành nghề. Cùng với bảng giá dịch vụ, danh sách nhân sự tham gia hành nghề tại cơ sở, trình độ chuyên môn, chứng chỉ và số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế (043.998.5765) phải được dán ở những vị trí thuận lợi, dễ quan sát, phục vụ công tác giám sát của các cơ quan chức năng và người dân. Sở cũng giao cho các trạm y tế có trách nhiệm giám sát việc chấp hành của các cơ sở y tế tư nhân. Sở cũng sẽ tiếp nhận báo cáo công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân từ phòng y tế các quận, huyện, thị xã trước ngày 20 hằng tháng để nắm bắt tình hình, đặc biệt là những cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập không phép, hoặc hành nghề quá phạm vi hoạt động chuyên môn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.