Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai

Ngọc Quỳnh - Ánh Dương| 05/10/2017 06:32

(HNM) - Ðể tích tụ ruộng đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn cần phải đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai là điều kiện tiên quyết hiện nay.

Phải rõ hơn vai trò của Nhà nước

Trước những khó khăn trong tích tụ ruộng đất, nhiều địa phương đã kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ cấu lại nền nông nghiệp. Đó là, Nhà nước cần đứng ra thuê đất của nông dân, tạm ứng ngân sách để trả cho nông dân tiền thuê đất rồi thu tiền thuê đất của doanh nghiệp hoàn trả ngân sách. Việc này sẽ tạo niềm tin, sự yên tâm cho nông dân khi giao đất.

Tích tụ ruộng đất là điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Ảnh: Lê Hoa



Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: Thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai tích tụ ruộng đất theo phương thức chính quyền cấp xã, huyện ký kết thuê đất của người dân trong 20 năm. Sau đó, chính quyền cho doanh nghiệp thuê lại để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù chưa có quy định trong Luật Đất đai năm 2013, nhưng Hà Nam vẫn mạnh dạn triển khai để phát triển nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch được 1.000ha cho phát triển chăn nuôi bò sữa và phát triển bò thịt; phê duyệt 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 500ha.

Để làm được việc trên, tỉnh Hà Nam đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Theo đó, nhà đầu tư phải cam kết ưu tiên sử dụng lao động, trong đó sử dụng lao động độ tuổi từ 35 đến 60 tại địa phương, ưu tiên sử dụng lao động là người có đất cho thuê. Ngoài ra, tỉnh có cơ chế hỗ trợ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án như: Đường giao thông, hệ thống kênh mương, trạm bơm…, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình Trịnh Xuân Ba cho rằng: Các bộ, ngành khi xây dựng chính sách phải phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất; tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua, bán thuận lợi, thủ tục đơn giản. Đối với những trường hợp chuyển sang nghề khác hay không muốn canh tác, Nhà nước có thể đứng ra mua và cho thuê lại. Ở những nơi Nhà nước thu hồi đất cho các dự án thì nên tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho người dân; doanh nghiệp vào thuê đất phải cam kết tạo điều kiện cho người dân được vào làm việc để có thu nhập, ổn định cuộc sống sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nông thôn cho rằng: Luật Đất đai năm 2013 cần thay đổi mức hạn điền, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp thay vì 50 năm và cần hướng tới công nhận quyền sử dụng đất lâu dài, xóa hoặc nới mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Chuyển từ thuế sử dụng đất nông nghiệp sang đánh thuế tài nguyên đối với sử dụng đất nông nghiệp.



Hài hòa lợi ích cho người dân

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian tới, các bộ, ngành sẽ rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 50 năm hay ổn định lâu dài... Bên cạnh đó, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế, phí, tiền thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hoàn thiện chính sách, pháp luật về vay vốn gắn với tài sản bảo đảm quyền sử dụng đất nông nghiệp, tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp thuê đất lẫn nông dân. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về đất đai phải bảo đảm công khai, minh bạch hơn trong việc giao đất, thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong khi đó, Hà Nội là địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập trong tích tụ ruộng đất. Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Sở vừa có tờ trình về thí điểm tích tụ ruộng đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc thí điểm tích tụ ruộng đất nếu được cấp trên cho phép sẽ thực hiện tại huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Ứng Hòa và Sóc Sơn. Mỗi huyện thực hiện thí điểm tối thiểu ở 3 xã và căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để lựa chọn phương thức tích tụ ruộng đất phù hợp.

Về hình thức, Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra 3 hình thức tích tụ ruộng đất, như: Cho thuê quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thời gian cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất ít nhất là 10 năm để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất; giá thuê đất thấp nhất là 200kg thóc/sào/năm. Đồng thời, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện và thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án. Còn chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp về an ninh, huy động lực lượng lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu, hỗ trợ về các thủ tục hành chính...

Đánh giá về đề xuất trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì (Hà Nội) Hứa Bá Trình cho rằng: Chính sách này nếu được thực hiện sẽ thuận lợi cho các địa phương trong việc tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên, không nên áp dụng đồng loạt về giá thuê đất mà phải trên cơ sở giá đất của từng địa phương để có giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Rõ ràng, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn trong tình hình mới đòi hỏi Nhà nước phải sớm tháo gỡ những “nút thắt” trong Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, mấu chốt trong vấn đề này vẫn phải là bảo đảm lợi ích hợp pháp của hàng triệu nông dân, chứ không chỉ vì lợi ích của những chủ thể và doanh nghiệp được tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô lớn, biến đất nông nghiệp thành loại tài sản để trục lợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.