Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đồng thuận cao

Nhóm phóng viên XDĐ-NC| 20/03/2019 07:23

(HNM) - Từ nhiều góc nhìn, tiếp cận khác nhau, “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” đã nhận được ý kiến đóng góp...

Tại hội thảo “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị”, nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận kỹ lưỡng. Ảnh: Bá Hoạt


GS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội: Dự thảo Đề án công phu, có chất lượng

Xây dựng chính quyền đô thị không chỉ là mô hình tổ chức mà quan trọng là thẩm quyền và cách thức hoạt động; với cách tiếp cận là xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Mô hình này phải tạo "cú hích" ở hai khâu then chốt là tự chủ và tự quản; chính quyền phải quyết được vấn đề tài chính và tổ chức. Theo tôi, dự thảo “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” được chuẩn bị công phu, có chất lượng và tính khả thi cao.

PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia: Xác định khối lượng, độ khó để xây dựng mô hình quản lý phù hợp

Thành phố Hà Nội mong muốn có một bộ máy quản lý bảo đảm 3 yếu tố: Tinh gọn; tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù của Thủ đô; bảo đảm hiệu quả. Đây là căn cứ để xây dựng mô hình, mà theo tôi, trước hết là xác định khối lượng nhiệm vụ, quyền hạn, công việc mà Hà Nội phải làm, từ đó tính toán bộ máy, con người để giải quyết khối lượng công việc, độ khó của công việc. Bên cạnh đó, với sự phát triển kinh tế - xã hội như ở Hà Nội thì khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ngày càng thu hẹp rất nhanh nên cũng cần tính đến phương án quản lý phù hợp, lâu dài đối với cả khu vực nội đô và ngoại thành.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc: Cần được trao đủ quyền và chịu trách nhiệm về quyền

Việc chính quyền địa phương phải báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành khiến nhiều công việc chậm giải quyết và hiệu quả kém. Vì vậy, dự thảo “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” nên được xây dựng theo hướng chính quyền đô thị Thủ đô được trao đủ quyền và chịu trách nhiệm thực hiện quyền đó.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn: Thống nhất với đề xuất

Để quản lý phát triển đô thị đồng bộ, liên thông, thống nhất, phải dựa trên nền tảng quy hoạch đô thị bền vững và quản lý đồng bộ tổ chức chính quyền đô thị. Thành phố Hà Nội là Thủ đô và là đô thị đặc biệt, nên việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền thành phố có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó cần phân định rõ hơn chức năng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Việc nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị phải bảo đảm nguyên tắc quản lý theo quy hoạch đô thị.

Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, khu vực đặc thù quan trọng theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi cho rằng, để quản lý xã hội tại khu vực đô thị và thúc đẩy thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn, thành phố cần nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền đô thị Hà Nội phù hợp đặc điểm, điều kiện về: Tuân thủ quy hoạch đô thị, chính quyền đô thị được phân bố ở khu vực đô thị (gồm cả 5 đô thị vệ tinh). Thủ đô Hà Nội có sự đan xen giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn (tính chất như tỉnh) nên không đồng nhất mô hình chính quyền đô thị cho toàn thành phố.

Qua nghiên cứu dự thảo “Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” và thực tiễn công tác, tôi thống nhất với đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền hai cấp ở các quận và duy trì chính quyền ba cấp ở các huyện và thị xã Sơn Tây.

Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải: Mong được triển khai sớm

Chắc chắn xây dựng chính quyền đô thị là xu thế tất yếu. Xu thế ấy đã được thế giới đánh giá tốt và phát triển. Tôi rất mong thành phố Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng được phép thực hiện sớm việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Theo dự thảo “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, ở các phường thuộc 12 quận sẽ không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế Ủy ban hành chính. Toàn bộ các công việc của hệ thống hành chính ở phường sẽ như “cánh tay nối dài” của quận. Như vậy, việc triển khai những nội dung chỉ đạo từ cấp quận sẽ rất thuận lợi, nhanh chóng, xuyên suốt và tôi tin là rất hiệu quả.

Điều đáng nói là khi chính quyền cấp phường được tổ chức theo mô hình này sẽ giúp cấp quận chủ động hoàn toàn về công tác cán bộ; khắc phục được tình trạng cục bộ, địa phương - vốn là vấn đề gây ra không ít những tình huống rất khó xử trong thực tiễn. Với tất cả những ích lợi như vậy, tôi rất mong chờ “Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” sẽ được các cấp có thẩm quyền thông qua để sớm đưa vào thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đồng thuận cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.