Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đối mặt với tội phạm mới

Tống Thanh - Nguyên An| 17/03/2012 05:12

(HNM) - Nhiều năm nay, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) không chỉ là điểm

Các chiến sĩ biên phòng nơi đây đã đối mặt với một loại hình tội phạm hoàn toàn mới: Tội phạm đưa dẫn người ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp thông qua con đường... công khai, hợp pháp.

Kiểm tra an ninh tại khu vực cửa khẩu.


Chân dung "mẹ mìn"

Khoảng 8h sáng 29-2-2012, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Móng Cái đang tấp nập người xe. Một đoàn người có vẻ ngờ nghệch, lam lũ, đều còn khá trẻ, hầu hết nói tiếng miền Trung, theo sau một phụ nữ làm thủ tục tại cổng xuất cảnh, trạm kiểm soát biên phòng Bắc Luân, Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái. Kiểm tra hộ chiếu, đội thủ tục nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường như nhiều người được cấp hộ chiếu cùng số sêri, cùng ngày, cùng quê quán... Ngay lập tức, các chiến sĩ đội thủ tục yêu cầu người đàn bà nọ xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Người này là Trần Thị Xuân, sinh năm 1979, mang hộ chiếu số B4883453, đăng ký hộ khẩu thường trú ở Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định. Trước đó, Trần Thị Xuân đã làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) ngày 12-4-2011 nhưng chưa làm thủ tục nhập cảnh trở lại Việt Nam. Cô ta khai nhận đưa 15 người trong đoàn nói trên sang Trung Quốc để làm thuê tại Quảng Đông. Từ thông tin ban đầu này, chân dung một "mẹ mìn" dần xuất hiện.

Một năm trước, Xuân quen một người phụ nữ tên Thúy ở Quảng Bình. Thường xuyên liên lạc với nhau, Xuân đặt vấn đề với Thúy tìm người để đưa sang Trung Quốc lao động với chi phí 7 triệu đồng một người, lương tháng khoảng 5,5 triệu đồng (1.800 nhân dân tệ). "Quy trình" là Thúy tìm người, bảo họ đi làm hộ chiếu, khi nào hoàn tất thì Xuân vào đón. Khoảng một tuần trước khi cả đoàn bị chặn lại ở cửa khẩu, Xuân vào Quảng Bình gặp 14 người - 10 nam, 4 nữ - và một người phụ nữ khác quê ở Yên Chính, Ý Yên, Nam Định, cầm hộ chiếu của họ xin visa nhập cảnh Trung Quốc có giá trị một lần. Xuân thu của mỗi người 7 triệu đồng, ngay lập tức Thúy được "lại quả" 3 triệu. Trưa 28-2-2012, Xuân đón 15 người ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), sau đó bắt xe ra Móng Cái, trọ lại một đêm để sáng hôm sau ra cửa khẩu làm thủ tục xuất cảnh.

Tuy nhiên, tất cả đã bị chặn lại. Nói đúng ra, 15 nạn nhân này đã may mắn được các chiến sĩ biên phòng cửa khẩu Móng Cái... chặn lại. Nếu không thì...

Hú vía!

Bà Nguyễn Thị Thục, 48 tuổi, quê ở Yên Chính, Ý Yên, Nam Định là nạn nhân cao tuổi nhất trong đường dây đưa dẫn người sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp của Trần Thị Xuân. Mười bốn người còn lại, trẻ nhất là Trần Hải Dương, 19 tuổi, nhiều tuổi nhất là Đinh Thị Hồng, 41 tuổi, đều cùng quê Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Sau khi được đưa về Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái, nghe các chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, giải thích, tất cả mới bàng hoàng.

Bà Thục kể: "Nghe cô Xuân nói nhiều về công việc bên Trung Quốc, chúng tôi phấn khởi lắm. Rằng sang bên đó thì chúng tôi làm tại một xưởng mộc ở Quảng Châu (Quảng Đông), lương tháng khoảng 5,5 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ được tăng lương đều đặn. Tôi đồng ý ngay, làm hộ chiếu xong, gửi cho Xuân để xin visa. Lệ phí xin visa 2 triệu đồng, tiền tàu xe, ăn đường từ Hà Nội đến Quảng Châu 5 triệu đồng".

Bà Đinh Thị Hồng, anh Trần Hải Dương, các nạn nhân khác như Đinh Xuân Diệu, Hoàng Trọng Hiếu... đều được nghe những lời tương tự.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Tùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái cho biết: "Thời gian gần đây, các đối tượng nằm trong các đường dây đưa dẫn người với nhiều mục đích khác nhau như lừa bán làm gái mại dâm, lao động bất hợp pháp đã lợi dụng con đường công khai, hợp pháp như làm giấy thông hành, hộ chiếu, sau đó xuất cảnh qua cửa khẩu để đưa, dẫn người sang Trung Quốc theo... ý đồ của chúng. May mắn cho 15 người nói trên là đã được kịp thời phát hiện”.

Nghe giải thích, bà Thục, bà Hồng... những người cả đời chỉ biết lam lũ, tần tảo ở quê nhà phát hoảng. Bởi chờ đợi họ ở phía bên kia biên giới không phải là công ăn việc làm hấp dẫn, "làm tốt sẽ được tăng lương đều đặn" mà toàn những rủi ro. Thậm chí, nếu không may mắn, họ sẽ rơi vào cảnh cùng đường, cơ cực và... không có lối về. Người xưa có câu: Trong cái rủi có cái may. Trong cái không may bị - đúng hơn là "được" - các chiến sĩ biên phòng chặn lại, họ mới chỉ mất một số tiền tương đối lớn đối với họ - 7 triệu đồng - mà hầu hết đều phải chạy vạy tứ tung nhưng dẫu sao vẫn còn may mắn chán bởi nếu sang, những gì chờ đợi họ là...

Những điều trăn trở

Thượng úy Phạm Công Điệp, tuổi đời còn khá trẻ, chân vẫn còn thập thễnh bởi vừa tham gia đánh án về. Anh bảo, đây là lần đầu tiên anh em đối mặt, xử lý với loại hình tội phạm hết sức mới mẻ này. Tuy nhiên, trên thực tế, tội phạm này đã diễn ra ở nhiều địa phương khác. Các "đầu nậu" tập trung lao động, thu gom rồi đưa về Móng Cái. Do giá nhân công Việt Nam rẻ nên nhiều chủ lao động Trung Quốc đã thỏa thuận với người đưa dẫn tìm cách đưa người lao động Việt Nam sang. Tình trạng này diễn ra công khai trước mắt các cơ quan chức năng.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Tùng đánh giá, kể cả nhập cảnh Trung Quốc bằng con đường công khai, hợp pháp hay lẩn trốn qua đường biên thì người lao động sang đó chỉ được đi trong phạm vi, thời gian nhất định. Hiện tại, đã hình thành hẳn một đường dây câu kết giữa người đưa dẫn với chủ người Trung Quốc. Theo đó, người lao động Việt Nam sang bất hợp pháp bị chủ lao động người Trung Quốc "om" lương lại, giao cho người đưa dẫn. Người đưa dẫn cắt "phế" rồi mới trả người lao động Việt Nam. Song phổ biến nhất, hầu hết chỉ được làm một thời gian rồi chủ người Trung Quốc báo cơ quan chức năng, tố cáo lao động người Việt Nam cư trú bất hợp pháp để trục xuất nhằm quỵt lương của họ. Số tiền này chủ người Trung Quốc và "cò lao động" Việt Nam chia nhau. Rất ít người được nhận lương đàng hoàng.

Nhưng đấy chưa phải là cảnh khốn cùng nhất. Thượng úy Phạm Công Điệp cho biết, rất nhiều người sau khi bị cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện cư trú bất hợp pháp bị giam giữ và hiện Trung Quốc đang tạm giữ khá đông người lao động Việt Nam. Để được về, họ phải chờ đợi cơ quan chức năng Trung Quốc "nhờ" bên này xác minh, phải nộp phạt xong xuôi. Nhiều người khi nhập cảnh trở lại, bộ đội biên phòng phải quyên góp tiền cho, họ mới có chi phí về quê.

Đối mặt với loại hình tội phạm mới, có rất nhiều điều khiến anh em phải trăn trở. Ngay như hành vi của Trần Thị Xuân đã vi phạm Điều 17, khoản 4, điểm a, Nghị định 113/2004/CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động và hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 20, khoản 3, điểm a, Nghị định 73/2010 NĐ- CP song chỉ bị tịch thu hộ chiếu, phạt tiền tối đa 21 triệu đồng. Với mức phạt như thế này, chắc chắn nhiều kẻ bất lương sẽ tiếp tục phạm tội bởi món lợi thu được quá lớn, lại nhanh.

Ngay trong ngày 29-2-2012, được các chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái giải thích, chia sẻ, vận động, 15 nạn nhân trên đã trở về quê để làm ăn, sinh sống. Chắc chắn, dằn vặt họ là nỗi hoang mang, hụt hẫng và cả gánh nặng nợ nần. Nhưng còn nhiều người dân tần tảo, lam lũ, thật thà và nhận thức còn hạn chế ở nhiều vùng quê khác vốn dĩ rất cả tin và đầy hy vọng vào những lời hứa hẹn về công ăn việc làm hấp dẫn nơi xứ người? Ai biết họ sẽ không gật đầu ngay tắp lự khi được mời mọc? Chia tay chúng tôi, anh em Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái thiết tha đề nghị "các nhà báo cố gắng tuyên truyền cho người dân hiểu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đối mặt với tội phạm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.