Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Doanh nghiệp phải chủ động

Hồng Sơn| 08/09/2015 13:42

(HNM) - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù số lượng doanh nghiệp (DN) có xu hướng hồi phục đang tăng theo thời gian nhưng chất lượng, nhất là khả năng cạnh tranh còn yếu.


Nhiều điểm yếu bộc lộ


Khoảng 97% trong cộng đồng DN có quy mô nhỏ và vừa, trong đó đa số có vốn vài chục tỷ đồng, thậm chí dưới 10 tỷ đồng. Đến nay, nền kinh tế vẫn thiếu vắng những DN lớn, có khả năng làm chỗ dựa cho các ngành, lĩnh vực cụ thể. Quy mô nhỏ bé về vốn, lạc hậu về công nghệ và thiếu kinh nghiệm trong quản lý là những điểm yếu dai dẳng của cộng đồng DN. Vì vậy, có chuyên gia ví DN Việt Nam như "hạm đội thuyền thúng" nhưng phải ra biển lớn để hội nhập, trong khi thời điểm thực thi các FTA ngày càng đến gần. Đó là điều rất đáng lo ngại.

Chính các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội, có phương án đối phó với những khó khăn từ FTA. Ảnh: Hải Anh



Một điểm đáng chú ý nữa là tuy số lượng đơn vị đã đăng ký kinh doanh lên tới 800.000 DN nhưng hiện chỉ có hơn 400.000 DN đang hoạt động thực sự - theo cách hiểu có đóng góp vào tăng trưởng, tạo nguồn thu ngân sách, việc làm cho người lao động. Rõ ràng, đây là con số quá thấp nếu so với tỷ lệ DN tính trên 90 triệu dân cả nước. Trong khi đó, theo quy luật, số lượng DN hoạt động thường xuyên tối thiểu cũng phải gấp đôi mức này thì mới có thể thúc đẩy nền kinh tế, sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Vậy đâu là nguyên nhân? Thực tế, DN vẫn phải chịu gánh nặng với đủ loại thuế, phí và các nghĩa vụ khác, lại hoạt động theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng cao, tất yếu mất khả năng cạnh tranh. Bài học về giá thịt gà trong nước cao gấp 2-3 lần so với gà Mỹ nhập khẩu là một ví dụ điển hình và là cảnh báo về nguy cơ "thua" cuộc trên sân nhà… Không ít chuyên gia đã miêu tả DN đang hoạt động như "vai vác nặng mà đi trên cầu khỉ" vì phải đối phó với hàng loạt bất lợi. Đã thế, các cơ quan chức năng lại chưa làm tốt hoạt động hỗ trợ, càng chưa tạo ra một thị trường minh bạch thật sự.

Một số ý kiến tỏ ra lo ngại là tốc độ ký kết, thực hiện các FTA đang diễn ra nhanh, nhưng sự chuẩn bị trong nước vẫn chậm.

Những khuyến nghị cần thiết

DN là đối tượng trực tiếp tham gia thị trường và tự quyết định chiến lược, phương thức sản xuất, kinh doanh. Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước không can thiệp hoặc làm thay được cho DN. Do đó, chính các DN phải chủ động để tồn tại và phát triển.

Ông Hoàng Mạnh Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, bản thân đơn vị xác định thị trường trong nước là địa bàn truyền thống, gắn bó với hoạt động học tập của học sinh, sinh viên hàng chục năm qua. Đặc biệt, từ khi đơn vị tham gia cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thu được nhiều kết quả tích cực. Cũng qua đó, DN tập trung đầu tư thỏa đáng về vốn, công nghệ nhằm sáng tạo những mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và mục đích sử dụng của các đối tượng khách hàng. Công ty cũng đang duy trì hệ thống bán hàng rộng khắp, với 100 nhà phân phối lớn cùng hàng nghìn điểm bán hàng. Tuy nhiên, ông Ánh cũng xác nhận, khi hội nhập thì hầu như không còn ranh giới giữa thị trường trong nước và quốc tế nữa, mà các DN sẽ cạnh tranh với nhau trong cùng một điều kiện. Các đơn vị phải tập trung các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm... Đó mới là lời giải của mỗi đơn vị.

Việc giữ gìn hình ảnh, uy tín của thương hiệu cũng đặt ra cho DN những yêu cầu ở tầm cao hơn, khắt khe hơn trong một thị trường mở. Các chuyên gia khuyến cáo, DN cần nắm bắt, vận dụng các nội dung, quy định thương mại quốc tế, nhất là các FTA mà Việt Nam đã hoặc sẽ ký kết trong tương lai gần, để tự bảo vệ mình. Đặc biệt, những vấn đề đáng chú ý là nguy cơ xảy ra các tranh chấp thương mại, khiếu kiện... Bởi lẽ, càng hội nhập sâu thì vấn đề liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ, mẫu mã sản phẩm càng phức tạp, nan giải...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Doanh nghiệp phải chủ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.