(HNM) - Vẫn biết “nghề” tổ trưởng dân phố là vất vả, kiêm nhiệm, nhưng vai trò và cường độ làm việc của họ rất lớn. Thực tế dù đã được thành phố đặc biệt quan tâm, song thu nhập từ “chức vụ” này còn khiêm tốn nên không dễ thu hút được người trẻ có năng lực.
Anh Tưởng Phi Thăng, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 (phường Phú Lương, quận Hà Đông) đến từng nhà tuyên truyền, giúp dân diệt bọ gậy. |
Khó “hút” cán bộ trẻ
Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố Chiến Thắng (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) cho rằng, đối với người đã về hưu, không phải lo “cơm áo gạo tiền” nên phụ cấp ít hay nhiều là điều không quá quan trọng. Nhưng với người trẻ, phụ cấp ít là lý do khiến họ không mặn mà với công việc. Tại tổ dân phố Chiến Thắng, dù rất chú trọng tìm nguồn, bồi dưỡng người trẻ có năng lực để giới thiệu tham gia công tác ở tổ dân phố, song không phải ai cũng sẵn lòng. Chưa kể, theo ông Hòa, công việc của tổ trưởng dân phố phải mất nhiều thời gian, lại dễ xảy ra va chạm… nên nhiều người trẻ e ngại.
Đồng tình với nhận định trên, ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông cho rằng, tổ trưởng dân phố trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung đang có xu hướng “già hóa”, thiếu cán bộ trẻ tham gia công tác.
Kinh phí hoạt động của tổ dân phố cũng là một khó khăn. Anh Tưởng Phi Thăng, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 (phường Phú Lương, quận Hà Đông) cho biết, kinh phí được phường phân bổ chỉ đủ “trà nước” trong những buổi họp, sinh hoạt của dân cư. Đối với những hoạt động quy mô lớn, chi phí nhiều, các tổ dân phố thường phải vận động xã hội hóa. Anh Thăng tâm sự: “Phải có kinh tế gia đình hỗ trợ, chứ trông vào phụ cấp 1 triệu đồng mỗi tháng thì không thể làm được gì. Có những lúc, tôi phải lấy tiền nhà để lo việc chung”.
Với bản chất là tự quản nên hoạt động của tổ dân phố cũng có những khó khăn nhất định. Anh Thăng cho biết, mặc dù sát dân nhưng tổ dân phố rất khó quản lý nhân khẩu, dân cư do sự biến động thường xuyên. Cán bộ dân phố không có quyền kiểm tra nhân khẩu, trong khi lực lượng cảnh sát khu vực, cấp phường không thể “bao trọn” địa bàn.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những cán bộ nhiệt tình, tâm huyết vẫn có tổ trưởng dân phố chưa nhận thức rõ vai trò của mình nên khi thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng. Nhiều trường hợp cán bộ tổ dân phố trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đến với nhân dân. Cũng có một số tổ trưởng dân phố còn kém nhiệt tình trong công tác, chưa chủ động tham gia giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, dẫn tới đơn thư, khiếu nại vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn.
Tiếp tục quan tâm, khích lệ
Theo quy định của pháp luật, thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của cấp trên giao.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở này, năm 2013, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU về “Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Sau khi thực hiện Đề án, toàn thành phố đã giảm gần 500 đầu mối tổ chức Đảng, 2.245 tổ dân phố và thôn (tính đến ngày 31-12-2015, toàn thành phố có 2.538 thôn và 5.420 tổ dân phố), góp phần tinh gọn bộ máy, thống nhất cơ cấu tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở, khắc phục được tình trạng chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ dân phố… được sắp xếp đã phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm, hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị.
Với chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách, trong đó có tổ trưởng dân phố, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND. Theo quyết định này, tổ trưởng dân phố được hưởng mức phụ cấp so với mức lương cơ bản theo hệ số 1,0 đối với tổ dân phố loại 1; 0,8 đối với tổ dân phố loại 2 và 0,6 đối với tổ dân phố loại 3 (phân cấp theo Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố).
Từ ngày 1-7-2017, Nghị định 47/2017/NĐ-CP về tăng lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang nhân dân có hiệu lực, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố bao gồm chức danh tổ trưởng dân phố cũng nằm trong nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố cũng đã có những biện pháp nhằm nâng cao phụ cấp, góp phần để tổ trưởng dân phố yên tâm công tác.
Một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực thời gian gần đây là, thành phố đã chỉ đạo tổ chức hội thi “Tổ trưởng tổ dân phố thân thiện năm 2017”. Hội thi đã thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với tổ trưởng dân phố, qua đó động viên, khích lệ tinh thần công tác của lực lượng này. Thông qua hội thi, các cấp chính quyền, đoàn thể có hướng tham mưu với Thành ủy, UBND TP Hà Nội nhằm điều chỉnh chế độ, chính sách phù hợp.
Dù vẫn còn những bất cập, còn nhiều chuyện “nghề” khó khăn chưa kể hết, nhưng đội ngũ tổ trưởng dân phố trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang cho thấy sự nhiệt huyết với công việc, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Từ thực tế đó, rất cần có những cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa nhằm động viên tinh thần làm việc cho đội ngũ này, khích lệ những người trẻ tuổi có nhiệt huyết, tri thức tham gia, để “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở ngày càng mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.