(HNM) - Mặc dù được đánh giá là cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng cây vải vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn về: Thời tiết, biến động thị trường, kỹ thuật bảo quản, công nghệ chế biến...
Đầy vơi nỗi niềm
Vụ vải này, bên cạnh niềm vui được mùa, người trồng vải Lục Ngạn vẫn còn những lo lắng. Anh Trần Văn Hành (ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết, gia đình có hơn 2ha trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 1,5ha được cấp mã vùng xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
“Chăm bẵm nhiều, vải rất ngon, nhưng tiếc là giá trị quả vải còn thấp bởi phụ thuộc vào thương lái, chưa xuất khẩu được nhiều...” - anh Hành thoáng buồn.
Thu hái vải tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). |
Chung nỗi niềm, anh Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) ưu tư: “100% diện tích vải của hợp tác xã được trồng theo quy trình VietGAP và GlobalGAP nhưng thiếu vai trò doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu nên quả vải chưa đạt giá trị tương xứng - đây là nỗi niềm chung của những người trồng vải quê tôi”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho biết, hiện Lục Ngạn đã có chợ đầu mối bán buôn nông sản ở vùng sản xuất tập trung, song chưa hiệu quả. Thời gian tới, cần đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, các cơ sở bảo quản sản phẩm (kho lạnh) ở vùng có sản lượng lớn và trung tâm tiêu thụ.
Ngoài ra, vào mùa khô hanh, cây vải ở vùng núi thường xuyên thiếu nước nên rất cần nâng cấp công trình thủy lợi; đồng thời, các tuyến giao thông cũng cần được đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển vải...
Hướng đến sản xuất bền vững
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Bắc Giang Nguyễn Khang cho biết: Hiện hơn 50% sản lượng vải thiều Bắc Giang đang được tiêu thụ trong nước, số còn lại là xuất khẩu. Trung Quốc đang chiếm gần 90% thị phần, khoảng hơn 10% còn lại xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, năm 2015, việc Mỹ, Australia cấp phép cho quả vải tươi Lục Ngạn vào thị trường này đánh dấu thành công lớn của ngành trái cây Việt Nam. Quả vải tươi vào được những thị trường lớn như vậy phải vượt qua rất nhiều hàng rào kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Tuy lượng xuất khẩu tới các nước “kỹ tính” chưa nhiều, song bước đầu hình thành được nhóm thị trường tiềm năng, góp phần giảm sự cạnh tranh và ép giá từ thị trường truyền thống...
Tuy nhiên, theo quan điểm của Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn: Dù bán tại thị trường trong nước hay xuất khẩu thì điều tiên quyết là sản phẩm phải có chất lượng tốt, sạch. Do vậy, Lục Ngạn luôn xác định, việc áp dụng theo quy trình sạch nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng là giải pháp duy nhất nhằm ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ khi sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, giá vải Lục Ngạn luôn ổn định, có thời điểm bán được rất cao.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang Mỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao Đinh Cao Khuê cho rằng, được cấp phép sang các thị trường lớn mới chỉ là thành công bước đầu bởi khối lượng xuất khẩu còn thấp. Việc hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân về tem nhãn, chi phí chiếu xạ, vận chuyển... đang là vấn đề cần quan tâm bởi đây là những rào cản với các doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, để nâng cao chất lượng, Bắc Giang sẽ không mở rộng diện tích trồng vải mà tập trung duy trì và tăng diện tích trồng theo VietGAP và GlobalGAP. Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất ngay từ đầu vụ và hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Không chỉ thế, với chủ trương trồng nhiều giống vải khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, Sở NN&PTNT đã cùng các sở, ngành liên quan tăng cường thông tin tuyên truyền về thị trường để có định hướng tiêu thụ đạt hiệu quả tốt nhất...
Thực tế, không chỉ các nhà quản lý mà hầu hết người trồng vải ở Bắc Giang cũng xác định sản xuất vải sạch là giải pháp để phát triển bền vững.
Ông Dương Văn Sinh, người chịu trách nhiệm kiểm soát kỹ thuật Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (huyện Lục Ngạn) tâm sự: “Nếu năm 2011-2012, người trồng vải Lục Ngạn còn cho rằng việc ghi chép sổ sách, theo dõi ngày, giờ sử dụng thuốc sinh học... là rườm rà thì đến nay, việc này đã trở thành thói quen hằng ngày, bởi họ nhận thức rõ, ngoài tăng giá trị cho quả vải, sản xuất theo quy trình VietGAP còn bảo vệ môi trường không khí, đất, nguồn nước...”.
Cùng với việc tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường, Bắc Giang đang tích cực đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, bảo quản và chế biến vải. Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho biết, mô hình sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như: Máy dự báo thời tiết, hệ thống thông báo quá trình sinh trưởng từng thời kỳ của cây vải... Đơn cử như tại vùng vải Lục Ngạn, huyện đang xây dựng mô hình sản xuất vải thiều ứng dụng công nghệ cao với diện tích 300ha tại thôn Tân Mộc.
Đặc biệt, do đặc tính vải thu hoạch cấp tập trong thời gian ngắn (khoảng 2 tháng), mới đây, Bộ Khoa học - Công nghệ cùng các bộ, ngành đã hỗ trợ hệ thống ứng dụng công nghệ bảo quản vải thiều của Isarel với mục đích nâng cao kỹ thuật bảo quản chất lượng quả vải nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu.
Gần đây nhất, ngày 8-6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương...
Với những động thái nêu trên cùng định hướng rõ ràng, người trồng vải Bắc Giang đang hướng đến vụ mùa bội thu. Để rồi, mỗi độ mùa về, vải thiều Lục Ngạn lại thêm ngọt, thêm tươi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.