(HNMCT) - Với mỗi bậc phụ huynh, nuôi dạy một đứa trẻ là cả một hành trình dài nhiều niềm vui, nhiều lo lắng, vất vả. Nỗi vất vả càng tăng bội phần khi đứa trẻ ấy thể xác tuy lớn lên nhưng trí tuệ thì chững lại.
Cuốn tiểu thuyết “Robinson có - tự kỷ của tôi” đơn giản là câu chuyện xoay quanh cậu bé Robinson và bố của cậu, nhưng tác phẩm cảm động ấy đã thành công trong việc thu hút độc giả và giới chuyên môn ngay từ khi vừa ra đời. Cuốn sách đã mang lại giải Victor-Rossel, một trong những giải thưởng danh giá nhất của văn học Bỉ, cho tác giả Laurent Demoulin. Mới đây, “Robinson có - tự kỷ của tôi” đã được giới thiệu với độc giả Việt.
Robinson là một cậu bé tự kỷ. Bố của Robinson là một giáo sư văn học, ông đi khắp các giảng đường để phân tích về sự kỳ diệu và quyền lực mềm của ngôn ngữ, nhưng tất cả những kinh nghiệm, học thức và cả bản năng sẵn có để sống và làm việc ấy dường như bất lực trước cậu con trai lớn lên không như những đứa trẻ bình thường. Bằng cả sự vụng về nhưng đầy can đảm và yêu thương, người bố ấy dấn thân vào hòn đảo cô độc của đứa con trai yêu dấu: “Thường thì cha mẹ của những đứa trẻ có - tự kỷ phải chịu đựng ánh mắt của “người ta”, còn tôi, chẳng hề. Ở bên cạnh Robinson bé nhỏ, tôi trở thành một ánh nhìn thuần túy”.
Những hoạt động bình thường như đi siêu thị, tản bộ, cùng ăn uống, tắm rửa, chơi đùa... của hai bố con đã được tác giả viết đầy hài hước mà hết sức tinh tế. Đó như một cuộc phiêu lưu vào cuộc sống hằng ngày đầy rẫy thách thức mà người cha đã đưa con trai mình dấn thân, để từ đó biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử. Dõi theo bước chân của hai cha con, độc giả nhận ra rằng, cuộc đời này đủ rộng lớn để chào đón tất cả những khác biệt.
Tính nhân văn trong lối viết và chuyển thể cuốn tiểu thuyết thể hiện ở chỗ tác giả và dịch giả dùng cụm từ “có - tự kỷ” thay vì “bị - tự kỷ” như lâu nay chúng ta vẫn nhắc đến. Theo nhà văn Laurent Demoulin, đó là một sự khẳng định giữa có và không, sự khẳng định giữa cậu bé Robinson có tự kỷ và những người còn lại không có tự kỷ. Thế giới của cậu bé dù ngốc nghếch và khác biệt so với những người khác, thì cậu vẫn rất vui vẻ, hạnh phúc trong tình yêu thương và nhẫn nại vô bờ bến mà bố cậu đã dành cho. “Robinson có - tự kỷ của tôi”, bởi thế, mang đến thông điệp cho tất cả ông bố bà mẹ trên trái đất này, rằng hãy để con mình nên đúng như con sẽ là, chứ không phải là một người mà bố mẹ mong muốn con trở thành.
Tiểu thuyết “Robinson có - tự kỷ của tôi” do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.