(HNM) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc là điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào thời kỳ cách mạng mới. Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc được tổ chức từ ngày 15 đến 21-11-1975 tại Sài Gòn. Ngày 25-4-1976, nhân dân bầu Quốc hội chung cả nước. Từ ngày 24-6 đến 2-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Hà Nội. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, bước vào giai đoạn xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
1. Sau chiến tranh chống Mỹ, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn. Hậu quả chiến tranh, những vấn đề về xã hội phải giải quyết rất lớn. Nền kinh tế quốc dân mất cân đối; sản xuất không đủ tiêu dùng. Trong khi đó, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá thành quả cách mạng vừa giành được cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam thống nhất.
Trong bối cảnh đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đã đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Từ ngày 27 đến 31-3-1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng được tổ chức, tổng kết bước đầu việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế - xã hội, để xóa bỏ cách quản lý cũ và chuyển sang cách quản lý mới; đồng thời xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đầu tư cho nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng; coi ổn định tình hình kinh tế - xã hội là nhiệm vụ bức thiết.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV và Đại hội V của Đảng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã xây dựng được nhiều cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Tài sản cố định của Nhà nước năm 1980 tăng 10,2 tỷ đồng so với năm 1976. Trong những năm 1981-1985 khởi công và bước đầu hoàn thành hàng trăm công trình tương đối lớn, hàng nghìn công trình vừa và nhỏ, trong đó có những công trình trọng điểm như: Thủy điện Hòa Bình, xi măng Bỉm Sơn, xi măng Hà Tiên, hồ Kẻ Gỗ, hồ Dầu Tiếng…
Đặc biệt, 10 năm đầu cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1985), với sự nỗ lực, năng động và sáng tạo của Đảng, nhân dân, các địa phương, các cơ sở, các ngành đã từng bước đổi mới cơ chế quản lý, đi đến chủ trương xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Cơ chế và cách thức làm ăn mới cùng với nhiều chính sách quan trọng đã khai thác tốt hơn năng lực sản xuất, quan tâm lợi ích người lao động, do đó đã thúc đẩy sản xuất phát triển với hiệu quả cao hơn, nhất là sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (9-1979)... Đây là những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội đất nước đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.
2. Đi đôi với lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm 1975-1985, bằng kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân dân ta đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Đặc biệt ở cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, như đã biết, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, nhân dân Campuchia không những không được hưởng cuộc sống hòa bình mà chính quyền Khơme Đỏ do Pôn Pốt - Iêng Xari đứng đầu đã thi hành chính sách đối nội phản động, làm hàng triệu người Campuchia bị giết hại dã man. Đối với Việt Nam, Khơme Đỏ ra sức kích động thù hằn dân tộc. Đặc biệt, vào những ngày cuối năm 1978, chính quyền Khơme Đỏ đã huy động một lực lượng lớn tiến vào khu vực Bến Sỏi (Tây Ninh), mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam... Trước tình hình đó, ngày 15-6-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, xác định mục tiêu của lực lượng vũ trang trong lúc này là: Tiêu diệt và làm tan rã cho được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh gãy xương sống của tập đoàn phản động Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng chân chính của Campuchia phát triển về mọi mặt, tiến lên đánh đổ tập đoàn phản động cầm quyền, bảo vệ độc lập, chủ quyền và chủ nghĩa xã hội ở Campuchia. Tiếp đó, ngày 27-7-1978, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tư (khóa IV), ra Nghị quyết về vấn đề Việt Nam - Campuchia, chỉ rõ nhiệm vụ hàng đầu là sẵn sàng chiến đấu, trước mắt là phải cùng nhân dân chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam...
Thực hiện kế hoạch đề ra, từ ngày 23-12-1978, các đơn vị chủ lực Việt Nam trên toàn tuyến biên giới được lệnh mở cuộc phản công lớn quét sạch lực lượng địch đã xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, tiêu diệt khối chủ lực tập trung của Khơme Đỏ, hỗ trợ các lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia tiến công và giành quyền làm chủ đất nước. Đến ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. Tiếp đó, theo yêu cầu của bạn, chúng ta đã để lực lượng ở lại giúp dân tộc Campuchia hồi sinh.
Ở biên giới phía Bắc, tháng 12-1978, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) ra nghị quyết xác định nhiệm vụ trong tình hình mới, nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ cấp bách, sẵn sàng mọi mặt công tác chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra”. Tiếp đó, ngày 6-1-1979, Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị về việc tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc. Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo đó, từ ngày 17-2-1979 đến ngày 18-3-1979, quân dân Việt Nam đã bảo vệ toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1975 đến năm 1985, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhưng kết quả đạt được giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng trên con đường đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời là cơ sở vững chắc để năm 1986, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đưa đất nước có những bước phát triển đột phá sau này.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.