Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 6: Sớm hiện thực hóa các quy hoạch

Hương Ly| 17/04/2017 06:35

(HNM) - Vấn đề hiện nay là cần tập trung huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực để sớm hiện thực hóa các quy hoạch đã được duyệt.


Đường Võ Nguyên Giáp trở thành trục phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.


Hàng trăm đồ án quy hoạch được xác lập

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TƯ và Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã lập và phê duyệt hàng trăm đồ án quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng các huyện, thị xã, thị trấn, quy hoạch đô thị vệ tinh (ĐTVT) và những khu vực quan trọng, làm định hướng tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Đáng chú ý, 5 ĐTVT Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Sóc Sơn, với những chức năng riêng biệt về giáo dục, y tế, công nghiệp sạch... được kỳ vọng là "cực hút" dân số khu vực nội đô tới học tập, làm việc, sinh sống. Đồng thời, thành phố cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng lộ trình, cơ chế di dời các cơ quan, đơn vị trung ương khỏi nội thành, giảm bớt áp lực cho đô thị "lõi".

Cùng với đó, Hà Nội đã thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ; rà soát, bổ sung quy hoạch, giới thiệu quỹ đất xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn; đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng, khách sạn, bệnh viện, công viên... Đặc biệt, đi kèm các đồ án quy hoạch, thành phố đã ban hành các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, bảo đảm mục tiêu xây dựng Thủ đô bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả quan trọng, một số nội dung quy định chi tiết trong Luật Thủ đô đến nay chưa được triển khai đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị của Hà Nội. Đơn cử như việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch kiến trúc đối với cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; quyết định cụ thể về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị ra khỏi nội đô để giảm mật độ dân số khu vực "lõi", dành quỹ đất xây dựng công trình công cộng.

Hiện nay, một số ít trụ sở bộ, ngành trung ương đã sắp xếp, di dời, song quỹ đất phần lớn được đầu tư công trình nhà ở, trung tâm thương mại, do vậy đã ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện quy hoạch đô thị. Trong khi, cơ chế đặc thù của chính quyền đô thị nằm trong quy hoạch ĐTVT để bảo đảm việc quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch vẫn thiếu.

Để đô thị vệ tinh có sức hút

Hiện Thủ đô Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng các ĐTVT chính là bước đi quan trọng để từng bước giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, tạo nền tảng phát triển Thủ đô theo hướng xanh, sạch, bền vững. Tuy nhiên, khu vực trung tâm Hà Nội đang đứng trước áp lực rất lớn về gia tăng dân số cơ học, hạ tầng đô thị quá tải, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện... Hiện tại, mật độ dân số trung bình tại 9 quận (trừ quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) là 14.714 người/km2. Trong khi theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2030, dân số đô thị trung tâm sẽ giảm còn khoảng 6 - 6,2 triệu người và giữ mật độ dân số tại 9 quận là 13.836 người/km2.

Để thực hiện được mục tiêu giãn bớt dân số nội đô, giảm áp lực lên hạ tầng đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị cho rằng, rất cần nghiên cứu, sớm có cơ chế, chính sách áp dụng cho chính quyền đô thị, để nhanh chóng hình thành 5 ĐTVT và hoàn chỉnh kết nối giao thông với đô thị “lõi”.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, việc xây dựng các ĐTVT là giải pháp cần thiết để đạt được mục tiêu giảm dân số nội đô. Nếu ĐTVT có chất lượng cuộc sống tốt, hạ tầng giao thông kết nối chặt chẽ với khu vực trung tâm, chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển của các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp về các ĐTVT, kéo theo số lượng lớn dân cư và sinh viên tại khu trung tâm Hà Nội.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, một ĐTVT hình thành không đơn giản chỉ bằng một quyết định hành chính, mà cần phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cung cấp thông tin quy hoạch ĐTVT, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cần thiết vào khu vực này. Để thu hút cư dân về sinh sống, phải có hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các ĐTVT và giữa ĐTVT với các đô thị lân cận. Việc ban hành các chính sách ưu đãi đối với cư dân ĐTVT như: Ưu đãi tài chính khi mua nhà, giảm học phí cho học sinh... cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Được biết, trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ thu hút đầu tư và tập trung phát triển ĐTVT theo lộ trình; cùng với đó, sẽ hoàn thiện, thực hiện đồng bộ các quy hoạch phát triển, trọng tâm là triển khai điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thành phố tăng cường quản lý quy hoạch theo quy định pháp luật, chú trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, không gian, cảnh quan, kiến trúc, phố cổ, làng cổ...; huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành xây dựng, cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước theo quy hoạch đã được duyệt sẽ là những giải pháp nhằm hiện thực hóa quy hoạch và giải quyết các vấn đề về đô thị hiện đang đặt ra.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 6: Sớm hiện thực hóa các quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.