(HNM) - Sau 4 năm thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đã có chuyển biến rõ nét. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả mới; thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình số 01-CTr/TU, Đảng đoàn HĐND thành phố đã ban hành và thực hiện đồng bộ, hiệu quả đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội". 30 quận, huyện, thị xã đã ban hành 44 chỉ thị, kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa việc thực hiện ở địa phương, đơn vị. Nhiệm kỳ 2001-2016, thành phố đã thực hiện tăng số lượng đại biểu chuyên trách HĐND. Đến nay, có 218/584 xã, phường, thị trấn có chủ tịch HĐND chuyên trách; 568/584 xã, phường có Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách. Hoạt động HĐND các cấp có nhiều đổi mới, đã lựa chọn trúng nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm để ban hành nghị quyết chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Quốc Dũng |
Bên cạnh đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã ban hành đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính các cấp giai đoạn 2011-2016"; trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. Đáng chú ý, thành phố đã thực hiện rà soát, tinh giản biên chế công chức, viên chức, đồng thời, đổi mới hình thức thi tuyển để nâng cao chất lượng tuyển dụng cũng như phòng chống tiêu cực. So với tháng 12-2012, đến nay, số công chức khối sở, ngành, quận, huyện có trình độ tiến sĩ là 60 người (tăng 16 người); thạc sỹ là 980 người (tăng 295 người); trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp là 1.214 người (tăng 141 người). Số công chức cấp xã có trình độ thạc sĩ là 66 người (tăng 28 người); đại học là 3.990 người (tăng 1.225 người).
Một trong những kết quả hết sức rõ nét là công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực. UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ trụ sở làm việc của cơ quan Đảng, HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn để tiến hành đầu tư nâng cấp, tu bổ, sửa chữa. Đến nay, đã có 236 trụ sở được xây mới và cải tạo (đạt 85% kế hoạch), trong đó có 193 trụ sở đã đưa vào sử dụng. Cùng với việc đầu tư trụ sở khang trang, thuận tiện cho tổ chức, công dân đến giao dịch, thành phố đẩy mạnh chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 4 năm qua, đã có 647 thủ tục không phù hợp được bãi bỏ. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua nhiều hoạt động như tuyên truyền, tập huấn, lấy phiếu nhận xét, đánh giá thái độ và trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức. Nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra công vụ được thành lập để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, quản lý tài chính; việc thực hiện các TTHC; thực hiện các quy tắc ứng xử của CBCCVC đối với nhân dân.
Một điểm nhấn nữa là Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên chủ động triển khai đề án "Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố". Đến nay, thành phố đã tổ chức công bố danh mục dịch vụ công và khai trương bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Công ty TNHH một thanh viên nước sạch số 2 Hà Nội. Đây chính là tiền đề để nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân tại tất cả các điểm có giao dịch về TTHC.
Chuyển biến ở nhiều lĩnh vực trọng điểm
Trong hơn 4 năm qua, TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trung ương tích cực triển khai lập và hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ bản hoàn thành việc xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành; quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh… bảo đảm phát triển đồng bộ, gắn kết hài hòa, thống nhất trong tổng thể chung giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, khu vực ngoại thành. Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn cũng được tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện. Hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng, phòng chống lụt bão, tiêu úng… được ưu tiên củng cố, nâng cấp...
Dù đã đạt được những kết quả vượt bậc sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy, song thành phố vẫn thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế như công tác chỉ đạo, quản lý điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt; thiếu sáng tạo, thiếu năng động trong giải quyết công việc; một bộ phận CBCCVC thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ… Trên cơ sở đó, thành phố đề ra những nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới, trong đó, tiếp tục đề ra các khâu đột phá, liên quan đến: Phát triển đồng bộ, hiện đại, từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC… Điều đó cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội với mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh.
Chú trọng cải thiện năng lực điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp Liên tục trong những năm qua, các chỉ số đánh giá đều có sự cải thiện, là minh chứng cụ thể cho nỗ lực, quyết tâm của TP Hà Nội: Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2013 của Hà Nội xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, tăng 2 bậc so với năm 2012. Trong đó, Hà Nội có 5 chỉ số thành phần có điểm số tăng so với năm 2012, tập trung ở những lĩnh vực quan trọng như: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính. Đặc biệt, tiêu chí sáng kiến trong triển khai công tác CCHC được Bộ Nội vụ đánh giá điểm tuyệt đối. Một số tiêu chí thành phần khác cũng được xếp hạng cao như: Điểm điều tra XHH đối với tiêu chí về chất lượng công chức của TP Hà Nội thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; điểm điều tra XHH về thái độ phục vụ của công chức của Hà Nội đạt điểm cao nhất cả nước (cùng với Hải Phòng); điểm điều tra thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xếp vị trí thứ 2 cả nước... Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam năm 2014 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của thành phố tăng 7 bậc so với năm 2013, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.