Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Triệt tiêu các yếu tố ưu đãi

Hà Trâm Anh| 14/03/2013 06:55

(HNM) - Có thể thấy những thất thoát trong quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Hà Nội thời gian qua là rất lớn...


Cơ chế… "đóng cửa bảo nhau"

Theo cơ chế quản lý hiện nay, UBND thành phố Hà Nội là chủ sở hữu tài sản, có thẩm quyền quyết định giá cho thuê, đối tượng thuê đồng thời có thẩm quyền quyết định việc thu hồi, điều chuyển quỹ nhà, chuyển mục đích sử dụng và cho phép bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn. Thành phố cũng quy định doanh nghiệp thuê nhà của Nhà nước không được phép cho thuê lại; nếu dùng mặt bằng liên danh, liên kết với các đơn vị khác thì phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù vậy, rất nhiều đơn vị, tổ chức đã có những vi phạm trong việc thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, phổ biến nhất là sau khi được thuê nhà với giá "tượng trưng", nhiều đơn vị tự ý chuyển nhượng, cho thuê lại dưới hình thức liên danh, giao khoán nhà cho cá nhân để hưởng chênh lệch.

Ảnh minh họa


Những năm qua, các ngành liên quan đã thực hiện nhiều đợt rà soát quỹ nhà chuyên dùng. Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, liên ngành đều lập biên bản ghi nhớ hiện trạng, hồ sơ vi phạm, yêu cầu đơn vị khắc phục, báo cáo và đề xuất phương án xử lý. Tuy nhiên mọi chuyện hầu như chỉ dừng lại ở mức độ như vậy. Theo ý kiến của một số đại biểu HĐND thành phố và theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay đối tượng được thuê quỹ nhà chuyên dùng của thành phố hầu hết là các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Do đó, quan hệ giữa bên A (các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này) và bên B (các đơn vị, doanh nghiệp thuê nhà) có những "ưu đãi" nhất định. Việc cho thuê diện tích từ quỹ nhà chuyên dụng tất nhiên là xuất phát từ nhu cầu, song trên thực tế dường như có chuyện đó là "bổng lộc" mà chỉ một số đơn vị, tổ chức thuộc diện "đặc biệt" mới được thừa hưởng. Bên cạnh đó, khi phát hiện sai phạm, việc xử lý của các cơ quan chức năng có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí là có tư tưởng "đóng cửa bảo nhau". Điều đó khiến cho việc xử lý các kẽ hở gây thất thoát trong quản lý sử dụng quỹ nhà chuyên dùng tồn đọng nhiều năm mà chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều đơn vị, tổ chức vô tư "xẻ thịt" diện tích được thuê để cho tư nhân thuê lại làm quán bia, nhà hàng, bãi giữ xe, trung tâm thẩm mỹ... với giá đội lên từ hàng chục tới hàng trăm lần. Số tiền chênh lệch được chia cho cán bộ, công nhân viên để "cải thiện đời sống" nhưng cách thức chia ra sao thì không ai hiểu vì đây là những khoản "bổng lộc" không thể công khai. Lại có những đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ là lấy lệ, cầm chừng bởi nguồn thu chính là số tiền chênh lệch khi cho thuê lại diện tích trụ sở…

Kẽ hở trở thành khoảng trống

1.075 điểm quỹ nhà chuyên dùng do thành phố quản lý hiện nay phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, nguyên là nhà ở, có vị trí nằm xen kẹt với nhà ở của người dân. Nhiều điểm mặt ngoài tầng một là quỹ nhà chuyên dùng, nhưng phía sau tầng một và bên trên lại thuộc sở hữu của nhân dân nên các đơn vị quản lý gặp không ít khó khăn. Từ thực trạng đó, Sở Xây dựng đưa ra đề xuất, chia quỹ nhà chuyên dùng làm 4 loại gồm: Tiếp tục quản lý cho thuê tại 158 địa điểm; Phát triển mở rộng quy mô tại 100 địa điểm; Chuyển đổi thành công sở nhà nước 284 địa điểm và chuyển nhượng toàn bộ 380 địa điểm. Như vậy với từng loại hình, việc quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn.

Mặt khác, để khắc phục tình trạng quản lý manh mún, Sở Tài chính Hà Nội đề xuất, đối với các cơ sở nhà đất nhỏ lẻ, xen lẫn với nhà dân có diện tích dưới 50m2 nên xử lý thu hồi bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường thông qua đấu giá. Đồng thời thu hồi các cơ sở nhà, đất nếu sử dụng không đúng mục đích, vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước hoặc hiện tại đang cho thuê, cho mượn, liên danh liên kết, sử dụng kém hiệu quả để bán đấu giá hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu theo quy định của luật pháp. Đặc biệt với những hợp đồng thuê nhà đã hết thời hạn cần xác định lại đơn giá cho thuê nhà và thực hiện theo cơ chế đấu thầu giá thuê nhà nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, góp phần tăng thu cho ngân sách.

Không chỉ siết chặt quản lý, để tránh lãng phí đối với quỹ nhà chuyên dùng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần đặc biệt quan tâm tới giá cho thuê. Mặc dù thành phố đã có nhiều đổi mới, quy định 6 mức giá đối với các vị trí thuê và xác định thời hạn hợp đồng, mức giá cao nhất là 220.000 đồng/m2/tháng, nhưng theo đánh giá của nhiều người mức giá trên vẫn còn khoảng cách rất xa so với thực tế. Mặt khác, thành phố quy định "giá cho thuê nhà được xác định khi lập hợp đồng cho thuê nhà và được giữ ổn định theo thời gian hợp đồng thuê có hiệu lực". Trong khi đó, hầu hết các hợp đồng thuê nhà chuyên dùng đều kéo dài ít nhất 3 năm, điều này liệu có là bất hợp lý trong khi hằng năm HĐND thành phố đều xem xét, điều chỉnh giá đất? Chính vì vậy, đã có ý kiến lo ngại, nếu giá thuê, hợp đồng cho thuê không được tính toán thấu đáo, rất dễ lặp lại tình trạng dù đã tăng giá, nhưng nguồn thu mang lại cho ngân sách thành phố không thấm vào đâu so với số tiền rơi rụng, chảy vào túi các cá nhân, tập thể trục lợi khi cho thuê lại.

Các yếu tố ưu đãi, tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức tiếp cận với quỹ nhà chuyên dụng để có thể "an cư lạc nghiệp", thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên sự bất hợp lý về cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực này sẽ làm méo mó thị trường, thất thoát tài sản nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Triệt tiêu các yếu tố ưu đãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.