Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Tạo điều kiện để nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền

Hương Ly| 28/11/2022 07:00

(HNM) - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội, hoạt động tiếp xúc, đối thoại đã được triển khai bài bản, khoa học và nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, những bài học kinh nghiệm thu được từ thực tiễn sẽ được Thành ủy nghiêm túc rà soát, đánh giá; đồng thời tạo mọi điều kiện để nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ tại quận Ba Đình. Ảnh: Quang Thái

- Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân sau 5 năm triển khai theo Quyết định số 2200-QĐ/TU đã trở thành nền nếp, góp phần giải quyết nhiều “việc nóng”, việc khó tại địa phương. Xin đồng chí cho biết đôi nét về những kết quả quan trọng đã đạt được thời gian qua?

- Bám sát chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ, Quyết định số 218-QĐ/TƯ, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội” và “Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, từ kinh nghiệm thực tiễn và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Đảng bộ thành phố, ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Sau 5 năm triển khai, Quyết định số 2200-QĐ/TU đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân; góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân Thủ đô với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị được thực hiện đồng bộ, bài bản từ thành phố đến cơ sở với hàng nghìn cuộc tiếp xúc, đối thoại đã được tổ chức; thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự và tham gia ý kiến. Tỷ lệ trả lời, giải quyết đạt trên 96% ở cấp huyện, cấp xã là 83,7%. Các ý kiến vượt thẩm quyền cũng đã được tổng hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc, đối thoại theo Quyết định 2200-QĐ/TU được các cấp ủy, chính quyền thực hiện thông qua chế độ tiếp xúc đối thoại thường xuyên, như: Tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, làm việc, giao ban giữa thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp, hoặc tiếp xúc đối thoại đột xuất khi có yêu cầu phát sinh. Những nội dung trên đã được thể chế hóa trong chương trình công tác, quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại cũng được thực hiện bằng nhiều cách làm sáng tạo, với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Nhiều địa phương đã tăng cường đối thoại chuyên đề; mở rộng đối tượng, quy mô đối thoại, qua đó giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo đồng thuận xã hội, không để phát sinh “điểm nóng”.

Thông qua tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, Thành ủy đã xác định rõ hơn để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông “điểm nghẽn”, có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đặc biệt, bên cạnh các chương trình công tác toàn khóa, Thành ủy đã lựa chọn những vấn đề khó khăn, vướng mắc để ban hành các nghị quyết chuyên đề, các chỉ thị rất trúng và đúng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn như phát triển doanh nghiệp, công tác an sinh xã hội, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc như vệ sinh môi trường, nước sạch…

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của HĐND, UBND thành phố, việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh.

- Sau 5 năm triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết nhằm đánh giá kết quả đạt được, đồng thời có giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Xin đồng chí chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Bên cạnh những thành công, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU thời gian qua.

Đó là công tác tuyên truyền và việc vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia tiếp xúc, đối thoại với cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại một số nơi chưa được coi trọng. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về nội dung Quyết định số 2200-QĐ/TU chưa thực sự sâu sắc.

Đáng chú ý, một số nơi còn lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Một số địa phương, đơn vị lại xác định nội dung đối thoại chưa đúng mục đích, yêu cầu theo Quyết định số 2200-QĐ/TU. Phần lớn nội dung đối thoại còn nặng về giải quyết những kiến nghị, vụ việc dân sinh bức xúc mang tính nhỏ lẻ; số hội nghị đối thoại chuyên đề còn thấp. Ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham vấn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hiến kế phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều.

Việc tổ chức đối thoại có lúc còn hình thức, vẫn có tâm lý né tránh, ngại va chạm đối với các nội dung phức tạp, chưa thực sự cởi mở, gần gũi với nhân dân. Thêm vào đó, việc nắm tình hình đoàn viên, hội viên và nhân dân ở một số địa phương cũng chưa kịp thời. Việc triển khai đôn đốc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại ở một số nơi chưa sát sao, hiệu quả…

Những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trên sẽ là cơ sở quan trọng để Thành ủy Hà Nội đưa ra những định hướng quan trọng trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại trong giai đoạn tới.

- Với vai trò, vị thế Thủ đô, Hà Nội sẽ phải đảm nhiệm những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng được Trung ương giao phó. Xin đồng chí cho biết những định hướng quan trọng mà Thành ủy sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện trong việc nâng cao hoạt động tiếp xúc đối thoại, qua đó góp phần hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị của Thủ đô?

- Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước Để góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội sẽ chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Quyết định số 2200-QĐ/TU; tăng cường phát huy dân chủ, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trong đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thành ủy cũng tiếp tục chỉ đạo tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội các cấp và nhân dân trực tiếp tham gia tiếp xúc, đối thoại; đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn tới, thành phố sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...

Cùng với việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại, Thành ủy Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại; tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực; tập trung giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị các cấp thành phố Hà Nội theo hướng sâu sát cơ sở, qua đó thực hiện tốt vai trò vận động, tham gia tiếp xúc, đối thoại đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua và tinh thần chủ động, quyết liệt, đổi mới, cùng với sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân Thủ đô, tôi tin tưởng rằng, những nội dung cốt lõi của Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong cả hệ thống chính trị, góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Tạo điều kiện để nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.