Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Tạo bước đột phá từ công tác cán bộ

Võ Lâm| 01/10/2015 06:13

(HNM) - Xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ TP Hà Nội đã dành sự quan tâm và có những giải pháp hiệu quả, đem lại thành công nổi bật trong những năm qua.

Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý đầu tiên của TP Hà Nội gồm 108 học viên
. Ảnh: Bá Hoạt



1. Đảng bộ thành phố luôn dành cho công tác cán bộ sự quan tâm đặc biệt. Thành ủy Hà Nội khóa XV đã lựa chọn và tập trung lãnh đạo thực hiện khâu đột phá là công tác cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Trong 9 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, chương trình đầu tiên - Chương trình 01-CTr/TU - có tính chất "xương sống", là về công tác cán bộ. Trong mỗi chương trình công tác còn lại, giải pháp về công tác cán bộ luôn là ưu tiên hàng đầu. Triển khai Chương trình 01-CTr/TU, mỗi cấp ủy đảng đều xây dựng những chương trình, kế hoạch có tính chất cốt lõi để thực hiện. Có hàng trăm đề án về công tác cán bộ được các cấp ủy xây dựng và thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong nhiệm kỳ này.

Nhìn lại gần 5 năm qua, thấy rõ sự tiến bộ trên các mặt công tác cán bộ của Đảng bộ TP Hà Nội. Các cấp ủy thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phù hợp với từng loại hình tổ chức đảng và tính chất, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, đề cao tính sáng tạo cá nhân và phát huy dân chủ trong Đảng. Lấy hiệu quả công tác làm thước đo, cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hằng năm. Không chỉ đánh giá theo cách thông thường, gần đây, một số chức danh lãnh đạo còn được mở rộng đối tượng đánh giá. Trước đây, đánh giá ủy viên thường vụ cấp ủy thì chỉ trong ban thường vụ cấp ủy đó, nay có thể mở rộng ra ban chấp hành và cả các đối tượng chịu sự quản lý điều hành của ủy viên thường vụ cấp ủy đó. Thành ủy Hà Nội là nơi đầu tiên trên cả nước thí điểm lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt thành phố và 7 lãnh đạo sở, ngành; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cán bộ có tín nhiệm thấp thì được tạo điều kiện để phấn đấu khắc phục trong một năm, nếu hai năm liên tiếp có tín nhiệm thấp thì phải chuyển sang làm công việc khác.

Công tác quy hoạch của Đảng bộ TP Hà Nội cũng được thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, tuân thủ 4 bước; trong đó, bước đầu tiên là thực hiện rà soát, phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch các chức danh. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ: "Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là công tác phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ, có đức có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tế đội ngũ cán bộ; phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị thành phố".

Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, từ giữa năm 2013, các cấp ủy đã rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, tiêu chí. Từ đó đến trước đại hội, các cấp ủy thường xuyên rà soát, có rút cán bộ ra khỏi quy hoạch và có bổ sung cán bộ vào quy hoạch. Với các nguyên tắc và yêu cầu quy hoạch như vậy, nhất là phương châm quy hoạch mở và linh hoạt, cán bộ thuộc diện quy hoạch của TP Hà Nội phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vì nếu sa sút sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch, thay thế bằng người khác. Kết quả quy hoạch cán bộ của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 là chìa khóa quyết định thành công đại hội Đảng bộ cấp chi bộ, cấp cơ sở và cấp trên cơ sở vừa qua.

2. Tích cực đổi mới công tác cán bộ, Đảng bộ thành phố đã xây dựng hệ thống "bộ lọc đầu vào" đối với cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan. Ban Thường vụ Thành ủy đã nghiên cứu, ban hành các văn bản lãnh đạo như: Quy định tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo
chủ chốt HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chuẩn một số chức danh cán bộ như lãnh đạo các ban đảng Thành ủy, giám đốc, phó giám đốc các sở hoặc tương đương, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ và cấp trưởng, cấp phó các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố… Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy cũng chủ động xây dựng các tiêu chí, quy trình, quy định làm cơ sở đánh giá, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ. Khi bổ sung các chức danh lãnh đạo cơ quan Đảng, thành phố đã thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hướng dẫn của Ban Bí thư. Khi bổ sung các chức danh lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, thành phố cũng yêu cầu gắn với thực hiện Điều lệ MTTQ Việt Nam, điều lệ của mỗi đoàn thể và các văn bản có liên quan khác của Trung ương, của cấp ủy và cơ quan cấp trên. Các cán bộ được bổ nhiệm bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn chung của cán bộ theo quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), đều phải bảo đảm các tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, một trong những dấu ấn trong công tác cán bộ của Đảng bộ thành phố là đã chủ động, tích cực điều động, luân chuyển cán bộ các cấp. Hầu hết cán bộ được điều động, luân chuyển đã phát huy được năng lực, sở trường, từng bước trưởng thành, đem lại sự tiến bộ của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng bộ thành phố còn góp phần thực hiện chủ trương của Trung ương về bố trí một số chức danh không phải người địa phương. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đều đã có cán bộ luân chuyển, 17/30 quận, huyện, thị xã có cấp trưởng (bí thư, chủ tịch hoặc cả hai) là cán bộ luân chuyển. Nhờ làm tốt công tác điều động, luân chuyển, Đảng bộ thành phố đã không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền.

Với phương châm "bộ lọc đầu vào" phải tốt, thành phố đã cải tiến công tác thi tuyển công chức, viên chức thông qua việc xây dựng quy trình tổ chức thi tuyển chặt chẽ, bài bản. Hình thức thi trắc nghiệm máy tính cùng hệ thống giám sát kết hợp giữa công nghệ và con người có sự tham gia của nhiều lực lượng, kỳ thi công chức thành phố có độ chính xác, trung thực rất cao, được Bộ Nội vụ biểu dương. Mặt khác, nhằm chủ động "lọc" đầu vào nguồn cán bộ, công chức mang tính chiến lược, Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án 07-ĐA/TU về đào tạo cán bộ nguồn TP Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đến nay, thành phố đã tổ chức được 12 lớp với trên 1.000 cán bộ nguồn. Đây là nguồn cán bộ lâu dài cho hệ thống chính trị thành phố trong 10-15 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Tạo bước đột phá từ công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.