(HNM) - Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020 do UBND TP Hà Nội phát động đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều địa phương, doanh nghiệp. Đến nay, đã có hơn 300.000 cây xanh, trong đó có nhiều chủng loại cây nhập ngoại, được trồng mới...
Hàng cây xanh trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Khánh Huy |
Xã hội hóa việc trồng cây xanh
Tại hội nghị Hà Nội - Hợp tác và đầu tư do UBND TP Hà Nội tổ chức tháng 6-2016, lãnh đạo thành phố đã phát động chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình... Thông điệp này của thành phố ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh Sơn La tặng 500 cây hoa ban trắng, tỉnh Điện Biên tặng 500 cây hoa ban đỏ cho Thủ đô. Sau một năm, đường Võ Nguyên Giáp và nhiều tuyến đường khác của Thủ đô đã rợp bóng cây, sắc hoa vốn tiêu biểu cho nét đẹp miền Tây Bắc.
Nối tiếp sau đó, hàng loạt doanh nghiệp, như Tập đoàn AEON (Nhật Bản) tặng 3.000 cây hoa anh đào; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Ecopark) hỗ trợ trồng mới 1.000 cây xanh trên Đại lộ Thăng Long; Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong hỗ trợ trồng 5.000 cây; Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hỗ trợ 3 xe cần cẩu cắt tỉa cây. Gần đây nhất, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng cam kết tặng Hà Nội 1.000 cây xanh. Được biết, nguồn vốn xã hội hóa cho việc trồng cây xanh cũng tăng mạnh với sự tham gia của các doanh nghiệp Vingroup, VPBank, AIC, Vinaconex...
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, cùng với việc kêu gọi xã hội hóa trồng cây xanh, trên cơ sở nghiên cứu, khảo nghiệm, thành phố đã đưa ra danh mục chủng loại cây đô thị, trong đó có nhiều chủng loại cây mới, nhập từ nước ngoài về, để tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, quản lý, hội nghề nghiệp, từ đó lựa chọn các loại cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu Hà Nội, hạn chế gãy đổ do gió bão. Mặc dù có nhiều đơn vị tham gia nhưng việc trồng cây sẽ được triển khai đồng bộ, tạo sự thống nhất về chủng loại ở mỗi tuyến phố. Các đơn vị được cấp phép trồng và chăm sóc cây xanh đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt từ khâu chọn chủng loại cho đến ươm trồng và phải bảo hành tuổi thọ cho cây. Suốt thời gian bảo hành (tối thiểu là một năm) cây nào chết phải được thay mới ngay.
Cách làm này đã giúp tạo ra những nét đẹp mới cho đô thị. Hồi tháng 9-2016, khi Hà Nội bắt đầu trồng cây chiêu liêu dưới gầm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đã có không ít người lo ngại việc này có thể gây mất an toàn cho việc chạy tàu. Tuy nhiên, đến nay có thể thấy, chiêu liêu sinh trưởng tốt, có tán lá đẹp hoàn toàn thích hợp cho việc phủ xanh các gầm cầu bê tông, dải phân cách các tuyến đường; cùng với nhiều loại cây, hoa khác tạo điểm nhấn cho cảnh quan Thủ đô.
Tạo diện mạo mới của "đô thị xanh"
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau một năm thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh, thành phố đã trồng mới hơn 300.000 cây, trong đó có 35.000 cây đô thị các loại có đường kính lớn và hàng nghìn cây cảnh (như dâm bụt, tường vi, mai hoa đăng, hoa giấy...) trên 73 tuyến đường, dải phân cách, nút giao thông trên toàn địa bàn thành phố. Cây hoa ban được trồng tại nhiều tuyến phố, vườn hoa. Cùng với chiêu liêu, các loại cây như sang, lộc vừng, phượng, sấu, giáng hương, long não, chà là, cọ dầu... được thiết kế nhiều tầng và trồng đồng bộ trên nhiều tuyến phố, tuyến đường như: Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Võ Chí Công, Văn Cao, Liễu Giai, Đào Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Thái Tông, xung quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang... đã phủ tán xanh mát, trổ hoa đẹp mắt. Khối lượng cây đã trồng góp phần tăng thêm mật độ cây xanh trên đường phố, tăng cường chất lượng môi trường.
Có thể thấy, sau một năm đầu tư mạnh cho việc trồng cây xanh, Thủ đô Hà Nội đã có một diện mạo mới. Đường Võ Nguyên Giáp, hai bên trồng dừa, bằng lăng, ở giữa trồng hoa ban tạo nên không gian xanh mướt mát ngay "cửa ngõ" Thủ đô. Hay Đại lộ Thăng Long với hàng cọ dầu thẳng tắp và ước tính toàn tuyến này sẽ có 45.000 cây xanh được trồng sẽ trở thành "khu rừng" bổ sung không khí trong lành cho thành phố. Phát biểu tại Tết trồng cây năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, thành phố sẽ biến 98ha đất trống tại Đại lộ Thăng Long thành một "cánh rừng" mới nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Nhận xét về việc thành phố trồng nhiều cây xanh mới, anh Trần Thành (nhà D1, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) nói: Việc thành phố phát động chương trình trồng 1 triệu cây xanh là hết sức cần thiết và nên được làm lâu dài. Không riêng tôi mà tất cả người dân Hà Nội, du khách đến Hà Nội đều đồng tình với cách làm này của thành phố. Còn chị Ngọc Trâm (phố Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) tỏ ra thích thú: Không riêng gì du khách mà cả những người sống tại Hà Nội đều ngỡ ngàng với những tuyến đường được thiết kế cây xanh hiện đại. Đây sẽ là một sức hấp dẫn mới của vẻ đẹp Thủ đô.
Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, ngoài cây xanh, Hà Nội còn có ưu thế về diện tích mặt nước, vốn được đánh giá có tác dụng tương tự như cây xanh. Vậy nên, bên cạnh việc tăng cường cây xanh cho những con đường, thành phố cũng cần trồng bổ sung cây xanh cho các khu đô thị, xung quanh ao, hồ. "Sở dĩ hồ Hoàn Kiếm đẹp còn do có nhiều cây xanh xung quanh" - ông Liêm nói.
Trở lại với việc tỷ lệ cây xanh/người ở Thủ đô còn thấp, ông Phạm Sỹ Liêm kiến nghị, thành phố nên bổ sung việc nghiệm thu thực hiện quy hoạch. Vì đây là cách để giám sát và bảo đảm tỷ lệ cây xanh tại các khu đô thị mới đúng tiêu chuẩn. Thực tế, có khu đô thị trên quy hoạch thì đạt tỷ lệ cây xanh nhưng khi triển khai thì nhiều diện tích cây xanh được chuyển đổi thành nhà ở. Chương trình trồng 1 triệu cây xanh của Hà Nội được nhân dân hết sức đồng tình, vậy nên thành phố cũng cần thông tin rộng rãi kế hoạch, loại cây mới có ưu điểm, tác dụng đặc biệt là vừa bảo đảm bóng mát, mỹ quan, an toàn, ít đổ gãy trong mùa mưa bão... để người dân cùng tham gia trồng, giám sát...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.