Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 31: Hình thành chuỗi liên kết, gia tăng giá trị sản phẩm

Sơn Tùng| 28/10/2015 06:21

(HNM) - Trong sản xuất nông nghiệp, việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Hiệu quả từ thương hiệu rau an toàn

"Rau hữu cơ Sóc Sơn" là nhãn hiệu nông sản đầu tiên của Hà Nội do Hội Nông dân (ND) xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là chủ sở hữu. Bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội ND xã Thanh Xuân cho biết: Cách đây 5 năm, mô hình sản xuất rau hữu cơ đã được triển khai tại Sóc Sơn. Đến nay, mô hình này có tổng cộng 14 nhóm sản xuất, trong đó có 8 nhóm sản xuất tập trung, 6 nhóm hoạt động riêng lẻ. Từ việc hình thành nhãn hiệu tập thể, đến nay "Rau hữu cơ Sóc Sơn" không đủ cung cấp. Hiện nay, sản phẩm rau hữu cơ tại Thanh Xuân được 10 công ty và 5 cửa hàng thu mua với giá ổn định 14.000 đồng/kg rau, củ, quả các loại. Một số cửa hàng bán lẻ có uy tín trong nội thành cũng thu mua. Vì vậy, bà con yên tâm đầu tư và tập trung nguồn lực cho sản xuất.

Dây chuyền sản xuất tại công ty CP sữa quốc tế (Ba Vì). Ảnh: Mạnh Hà


Đối với các sản phẩm RAT, để hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún do hộ cá thể tự chủ gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng nông sản, thành phố đã xây dựng các HTX tiêu thụ RAT cho nông dân như HTX Văn Đức - Gia Lâm, HTX Đại Lan - xã Duyên Hà - Thanh Trì, HTX Thanh Đa - Phúc Thọ, HTX Đặng Xá - Gia Lâm… Mặc dù sản lượng tiêu thụ RAT của các HTX so với sản lượng của cả vùng là chưa nhiều, nhưng đây là bước khởi đầu đầy triển vọng cho hoạt động tiêu thụ RAT của các vùng sản xuất. Bên cạnh việc nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, thành phố đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thuê đất sản xuất của nông dân để tự sản xuất RAT cung cấp cho thị trường. Tính đến nay đã có 15 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh RAT trên địa bàn thành phố hoặc tham gia một phần chuỗi tiêu thụ như: Công ty Đông Á, Công ty Phát triển nông nghiệp đô thị, Công ty Hà An, Công ty Việt Liên…

18 chuỗi liên kết chăn nuôi

Xác định xây dựng liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo đột phá trong các khâu từ sản xuất đến chế biến và tạo thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, thành phố đã tích cực xây dựng các chuỗi liên kết, trong đó đáng kể là 18 chuỗi liên kết trong chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với 3.429 thành viên tham gia, 30 điểm giao dịch và 1.313 đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tiêu thụ được 392.000 quả trứng, 22,35 tấn thịt lợn, 10,75 tấn gia cầm, 150kg thịt bò, 100 tấn sữa. Một số chuỗi liên kết đã được thành phố hỗ trợ phát triển, tạo thương hiệu và đến nay đã quen thuộc với người tiêu dùng như chuỗi liên kết của Công ty Cộng đồng Green Food Hà Nội.

Với năng lực sản xuất gồm 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 150.000 tấn/năm, 80 trang trại chăn nuôi, 1 nhà máy giết mổ lợn và chế biến thực phẩm công suất 600 con/ngày, 1 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm công suất 20.000 con/ngày, đơn vị này đã hình thành chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất thức ăn, tổ chức chăn nuôi, quy trình giết mổ tập trung, phân phối sản phẩm qua các hệ thống cửa hàng, không qua khâu trung gian nên sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Hay sản phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm sạch 3F phân phối có sự liên kết của 200 trang trại gà, 15 trại lợn rừng và trại lợn rừng giống gốc 750 nái… Ngoài ra, phải kể đến chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng Tiên Viên; chuỗi liên kết của Công ty Sữa quốc tế IDP; chuỗi liên kết của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương; các công ty DaBaCo, Japfa… Một loạt thương hiệu về gạo Thủ đô, chè sạch Sóc Sơn, Ba Vì… đã hình thành và khẳng định niềm tin đối với người tiêu dùng.

Nhân rộng mô hình chuỗi liên kết khép kín

Mặc dù vậy vẫn phải thừa nhận, các mô hình liên kết còn thiếu bền vững, thể hiện phổ biến nhất là tình trạng phá hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích của nông dân, chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi mà lợi dụng thế độc quyền để ép giá. Ngược lại, không ít người dân không tôn trọng cam kết, sẵn sàng bán sản phẩm ra thị trường khi giá lên cao… Chưa kể, việc giám sát các khâu trong quá trình sản xuất nông sản còn chưa chặt chẽ, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh đầu mối các loại rau, củ, quả, các sản phẩm thủy sản chưa thường xuyên cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của chuỗi liên kết. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển một số cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng và giá trị cao, phát triển trọng tâm trọng điểm theo quy hoạch. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng thịt và rau cho nhu cầu của thành phố. Thành phố sẽ nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm theo hướng cung cấp sản phẩm tại các địa phương và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng thương hiệu cho từng chuỗi liên kết đối với chăn nuôi và định hướng thị trường cho các chuỗi phù hợp với năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí để nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá; xây dựng, các chương trình, mô hình chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… Đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo cơ hội sâu rộng hơn nữa cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, công nghệ và dịch vụ; tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng là vấn đề quan trọng cần đặt ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 31: Hình thành chuỗi liên kết, gia tăng giá trị sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.