(HNM) - Thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp...
Công tác cải cách hành chính ở thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận Long Biên. Ảnh: Bá Hoạt |
Tinh gọn bộ máy
Xác định công tác xây dựng hệ thống chính trị là nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm hàng đầu, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình công tác toàn khóa về nội dung này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả khóa XV và XVI. Bên cạnh những giải pháp mang tính tổng thể, thành phố đã tập trung giải quyết cả những vấn đề cụ thể; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ cơ sở. Tiêu biểu là, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013 về “Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Sau khi thực hiện Đề án, toàn thành phố đã giảm gần 500 đầu mối tổ chức đảng, 2.245 tổ dân phố và thôn; tinh gọn bộ máy, thống nhất cơ cấu tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở, khắc phục được tình trạng chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Điểm nhấn đáng chú ý nữa là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 19-10-2012 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016”. Với nhiều giải pháp hết sức cụ thể, nhất là việc tăng cường cán bộ HĐND chuyên trách, chất lượng các kỳ họp tiếp tục được nâng cao theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của các đại biểu, tăng thời lượng trả lời chất vấn; ban hành nghị quyết phù hợp với thực tiễn. Hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tập trung vào những lĩnh vực dân sinh bức xúc và dư luận quan tâm để tìm hướng giải quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận: "HĐND các cấp TP Hà Nội ngày càng phát huy vai trò và vị trí trong hệ thống cơ quan nhà nước ở địa phương". Với kết quả đạt được, Đề án 04-ĐA/TU tiếp tục được Thành ủy khóa XVI chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn 2016-2021.
Năm năm qua, chất lượng hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cũng có chuyển biến tích cực. Thành phố đã thành lập hơn 5.000 tổ dân vận, cùng với MTTQ, các đoàn thể phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng xây dựng các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án lớn về phát triển kinh tế - xã hội.
Củng cố vững chắc hệ thống chính trị từ tổ chức, Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá: “Không chỉ thông suốt về tư tưởng, thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Hà Nội còn có giải pháp phù hợp và đạt kết quả rất ấn tượng”. Toàn thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn hơn, giảm hàng trăm đầu mối tổ chức, vị trí trưởng, phó phòng, trên cơ sở đồng thuận cao.
Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý
Đi liền với việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, Hà Nội đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý. Trong đó, tiếp nối tinh thần đổi mới từ nhiệm kỳ trước, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy chế làm việc, quy trình công tác trong hệ thống chính trị thành phố, bảo đảm hiệu quả, khoa học, phát huy dân chủ.
Cụ thể, thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”, UBND thành phố đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả) và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành lại tất cả thủ tục hành chính; bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết, giảm đáng kể thời gian thực hiện. Tiêu biểu là thủ tục hành chính về cấp “sổ đỏ” rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 14 ngày…
Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, tinh thần “Năm kỷ cương hành chính” đã được cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực: Chấn chỉnh tư thế, tác phong, kỷ luật của trưởng, phó phòng sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; chủ tịch, phó chủ tịch phường, xã, thị trấn; các chuyên viên tại bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông”. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng còn cho biết, UBND thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan có liên quan hằng năm tổ chức điều tra thăm dò để đánh giá sự hài lòng của tổ chức và công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Thành phố phấn đấu đạt được mục tiêu 80% người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính vào năm 2018, sớm hơn hai năm so với yêu cầu của Chính phủ.
Tinh giản cùng với đổi mới phương thức vận hành, hệ thống chính trị các cấp đã nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, thể hiện ở kết quả phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định toàn diện 5 năm qua của Thủ đô. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng trong 4 năm liên tiếp, và đến năm 2016 vươn lên đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương trong xây dựng hệ thống chính trị. Cụ thể, Thủ đô là đô thị hạng đặc biệt, nhưng hiện nay vẫn áp dụng mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động như các tỉnh, thành phố khác. Để có sự phát triển như kỳ vọng, Hà Nội rất cần có những thay đổi mạnh mẽ, phù hợp hơn về cơ chế quản lý, trong đó đặc biệt đáng chú ý là việc tiến hành thí điểm xây dựng đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.