(HNM) - Theo cơ chế hiện hành, Hà Nội có khá nhiều cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm môi trường.
Thế nhưng, với quy định lỏng lẻo, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, thành phố đang lâm vào tình cảnh "đơn vị quản lý đông mà không mạnh", tình trạng xả thải bừa bãi vẫn ở mức báo động, tác động tiêu cực đến bộ mặt, cảnh quan môi trường đô thị và sức khỏe của người dân. Do đó, một trong những đề xuất của Ban soạn thảo Luật Thủ đô là tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm sông hồ, ban hành quy chuẩn môi trường Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn quốc gia nhằm khắc phục lỗi mang tên cơ chế.
|
Thiếu khung pháp lý chặt chẽ, Hà Nội sẽ khó khăn trong việc bảo vệ môi trường sống trong sạch. Ảnh: Duy Tường |
Thiếu chế tài
Có một điều trớ trêu từng xảy ra, đó là để xử lý kịp thời các vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường, Hà Nội từng ban hành văn bản có một số điểm không đúng quy định pháp luật, ví dụ như quyết định về việc thực hiện các biện pháp làm giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng. Quy định này đã bị Bộ Tư pháp đề nghị hủy bỏ, căn cứ pháp luật hiện hành, các văn bản do địa phương ban hành không được quy định hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt hành chính. Sau tình huống này, đến nay, Hà Nội vẫn đang loay hoay với bài toán làm thế nào để giảm tình trạng xả thải bừa bãi, nhưng từ bất cập về cơ chế giữa TƯ và địa phương nên chưa có kết quả. Với chế tài lỏng lẻo hiện hành, lại tản mát ở nhiều luật chuyên ngành, Hà Nội đang có rất nhiều cơ quan, tổ chức thanh kiểm tra, từ Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng phòng chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường thuộc công an tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện.
Thực tế là dù ở vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, nơi giao dịch quốc tế của cả nước nhưng mức độ ô nhiễm môi trường ở Thủ đô đã vượt mức cho phép nhiều lần, thói quen vứt rác tùy tiện của người dân đang ở mức báo động. Kết quả công trình nghiên cứu mới đây nhất cho thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, bộ mặt cảnh quan đô thị và sức khỏe của người dân ở Thủ đô. Hiện nay, trung bình mỗi ngày khu vực nội thành Hà Nội phải "nhận" khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt và trên 100.000m3 rác từ các bệnh viện, nhà máy và làng nghề. Trong khi, mới xử lý được khoảng 70%. Ô nhiễm do khí bụi, chất lượng môi trường không khí đang ngày càng giảm trầm trọng, đặc biệt là cửa ngõ vào nội thành. Theo kết quả quan trắc, lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều. Đơn cử, đường Nguyễn Trãi gấp 11 lần; đường Nguyễn Văn Linh gấp 5,2 lần; đoạn giao đường 71 và đường 32 (huyện Đan Phượng) gấp 6,3 lần. Tại sông Tô Lịch, vào mùa khô hàm lượng ô xy hòa tan thấp hơn 2,31 lần so với tiêu chuẩn, tổng chất rắn lơ lửng vượt quá 2,11 lần, hàm lượng nitơrat vượt quá 1,64 lần, khuẩn coliform vượt 6,47 lần.
|
Tình trạng ô nhiễm không khí do khói, bụi tại Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Bá Hoạt |
Và cơ chế mới
Câu chuyện kể trên là nét phác họa về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy có nhiều vấn đề bất cập tại Hà Nội khi triển khai. Chính điều này đã khiến cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng phải thừa nhận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều chế tài hành chính quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan quản lý khác nhau soạn thảo, cùng điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định thiếu thống nhất, dẫn đến sự chồng chéo, làm cho chủ thể áp dụng không biết nên hiểu và áp dụng chế tài của văn bản nào cho đúng. Hiện tượng xé rào ban hành văn bản trái quy định, vượt thẩm quyền của Hà Nội là một thực tế cần điều chỉnh nhưng xét ở một khía cạnh nào đó lại phù hợp với thực tiễn quản lý và điều hành của địa phương.
Đặt niềm tin vào sự thành công của Dự luật Thủ đô, luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nếu Quốc hội thông qua điều khoản này sẽ tránh tình trạng nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề thấy mức phạt thấp quá họ đồng ý chịu xử phạt, bởi kinh phí cần bỏ ra để xây dựng hệ thống xử lý nước thải có thể lớn hơn rất nhiều. Không dừng lại đó, với việc được ban hành quy chuẩn môi trường Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn quốc gia, UBND TP sẽ có cây gậy pháp lý để buộc những doanh nghiệp thuộc diện gây ô nhiễm, theo Luật Thủ đô sẽ có thể đối mặt với hình thức phạt bổ sung buộc ngưng hoạt động. Do đó, có thể coi đây sẽ là giải pháp khắc phục lỗi mang tên cơ chế. Nhưng bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần sớm khởi động kiến thiết các chế tài với đơn vị quản lý cố tình nhắm mắt làm ngơ với những vi phạm. Cần phải xác định rõ khu vực nào sẽ được sự chú ý thường trực của các cơ quan trung ương, cơ sở nào giao trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND các quận, huyện trong vấn đề theo dõi ô nhiễm môi trường và đặt mốc giải quyết, hoàn thành trong thời gian bao lâu… Từ đó, truy trách nhiệm đến cùng đối với mỗi vi phạm. Bởi riêng trong lĩnh vực xây dựng, giá trị giao dịch mỗi mét vuông nhà ở đã là gần một trăm triệu đồng, thì việc móc ngoặc, biếu xén cơ quan kiểm tra để sạch công trình nhà mình, bẩn cửa hàng xóm là khó ngăn chặn hết.