(HNM) - Nghị quyết Trung ương 5 đặt ra 4 nhóm giải pháp gồm: Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, ngành văn hóa thẳng thắn nhận định và báo cáo trước các đại biểu, trước Thủ tướng Chính phủ: "Nhiệm vụ xây dựng con người chưa được nhìn nhận toàn diện".
Từ đây, có thể thấy rõ hai câu chuyện lớn trở thành nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới những hạn chế của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5. Đó là nhận thức về yếu tố con người trong mối quan hệ "máu thịt" đối với sự thành - bại của mọi chính sách. Nghĩa là đâu đó, trong những mục tiêu và nguyện vọng đẹp đẽ, tính gần gũi với đời sống, tính khả thi dựa trên tiêu chí con người vẫn đầy mơ hồ, dẫn đến một kết quả không như mong muốn. Thứ hai là, bản thân nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới (nhiệm vụ đầu tiên trong 10 nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 5) cũng còn chung chung, thiếu cụ thể trong xác định hệ giá trị cũng như các bước thực hiện.
Soi tỏ để tìm kiếm nguyên nhân những hạn chế của Nghị quyết Trung ương 5 trong thực hiện các mục tiêu văn hóa qua tiêu chí con người là bởi không có nền văn hóa nào lại nằm ngoài yếu tố con người. Nghị quyết cũng một lần nữa xác định rõ ràng "Nguồn lực trung tâm để phát triển văn hóa là con người. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm của văn hóa".
Ở khía cạnh thứ nhất, ta thấy rõ qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Thực tế, rất nhiều khủng hoảng có tính thời đại vẫn đang lạnh lùng phá hủy từng gia đình. Và chúng ta sẽ không tìm thấy hướng giải quyết đáng kể cho những điều ấy qua phong trào nếu như mỗi nội dung không được xác định cụ thể là hướng tới con người nào, theo đặc điểm từng địa phương, từng cơ sở. Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) Trần Tuyết Ánh nêu: "Mô hình, tiêu chí gia đình văn hóa chưa được xác định rõ", còn Bộ VH,TT&DL thừa nhận: "Phong trào còn nặng về hình thức nên chưa quan tâm đến việc xây dựng nhân cách văn hóa cho con người Việt Nam".
Có lần TS Trần Hữu Sơn, trong vai trò Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đặt vấn đề thẳng thắn: Có những chính sách không thành do chúng ta chưa thực sự hiểu đời sống, văn hóa của đồng bào (theo người viết ở đây chính là chưa thật sự đặt con người làm trung tâm của chính sách). Ví dụ đầu tư cho môi trường văn hóa cơ sở, mỗi xã phải có một chợ. Hăng hái xây hàng chục chợ nhưng cuối cùng thì nhiều chợ bỏ hoang, là vì chợ của bà con có những cái khác so với chợ ở đồng bằng.
Xét tặng danh hiệu, trao giải thưởng cho văn nghệ sĩ là một chính sách ghi rõ trong Nghị quyết Trung ương 5, nhưng khi thực hiện, động lực cho con người vì con người chưa đủ mạnh khiến chúng ta vẫn còn thiếu chủ động. Trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên là một ví dụ. Một nghệ sĩ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng và nền âm nhạc đất nước, xứng đáng nhận giải thưởng mà lại không được trao chỉ vì "không biết" làm thủ tục thì đấy chính là khiếm khuyết có tính nhân văn trong một chính sách cho văn hóa vậy! Đầu tư cho văn nghệ sĩ cũng thế, không phải có một ôm tiền là xong.
Trở lại với nhiệm vụ đầu tiên trong 10 nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 5: "Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới", cũng thấy rõ nguyên nhân lớn dẫn tới hạn chế của Nghị quyết Trung ương 5. Theo TS Nguyễn Viết Chức nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội thì đó chính là ở chỗ chiến lược lại nhắc lại Nghị quyết, trong khi lẽ ra nó phải cụ thể hóa Nghị quyết để dễ thực hiện.
Trong quá trình triển khai, thực hiện các giải pháp, chúng ta lại chưa có cơ chế đánh giá, giám sát. Có những giải pháp đúng, nhưng chưa được thực hiện trọn vẹn, đầy đủ, nên tính thực tiễn không cao. NSND - đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh nêu ví dụ: "Tăng cường đầu tư cho các công trình văn hóa là rất cần, nhưng cần tránh lãng phí như vừa qua. Xây xong nhà bảo tàng rồi biến thành bãi đỗ xe, nơi cho thuê đám cưới, xây xong nhà văn hóa, thư viện thì không có người lui tới, xây xong nhà hát mỗi tháng chỉ vài buổi sáng đèn, xây rạp chiếu phim thì không có người xem…
Cuối cùng, bên cạnh thiếu sót về tiêu chí cụ thể, cơ chế giám sát thì ngay thân phận văn hóa nói chung, trong mắt nhiều người, lắm khi cũng chịu cảnh "lạnh lùng". Có thời điểm, người ta so sánh sân golf và sân chơi trẻ em theo tỷ lệ nghịch. Thậm chí, giới làm sách thì có một hình ảnh minh họa cho sự tụt lùi của văn hóa và sự lấn át của kinh tế là tủ rượu dần thay thế tủ sách. Lại nhớ đến sự xôn xao đáng mừng khi truyền thông "túm" được sự kiện lần đầu tiên một chính khách là đương kim Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự nhận giải thưởng "Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục" của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2012. Điều cả mừng ấy có nguyên nhân cốt lõi từ sự mong đợi một tinh thần sáng suốt về nhận thức cái vị trí đặc biệt của văn hóa trong ba trụ cột: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.
Thiếu nhận thức ấy, gỡ được những khó khăn cho một nghị quyết có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược như Nghị quyết Trung ương 5 thật không dễ dàng.
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.