Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh

Hồng Sơn| 23/12/2020 06:28

(HNM) - Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn chú trọng, không ngừng cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ra đời và phát triển. Đây là bệ đỡ quan trọng để doanh nghiệp sớm phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị tác động rất lớn bởi dịch Covid-19.

Năm 2020, thành phố Hà Nội có thêm 26.441 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 337.689 tỷ đồng. Trong ảnh: Giao dịch tại bộ phận “một cửa” Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Tiến bộ qua thời gian

Tháng 4-2020, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Sau hội nghị này, thành phố đã cụ thể hóa bằng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận cơ hội kinh doanh nhanh nhất…

Thực tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn là mục tiêu không có điểm dừng của Hà Nội, mà kết quả dễ thấy nhất là Hà Nội duy trì vị trí trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hai năm liên tiếp 2018, 2019.

Nhìn lại quá trình đó, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Lê Văn Quân cho biết, Hà Nội đã sớm đạt tỷ lệ 100% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng, khoảng 99% doanh nghiệp khai báo và nộp thuế điện tử, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Cùng với đó, Hà Nội có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị, xúc tiến thương mại; thúc đẩy các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng sản xuất...

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân, thời điểm khó khăn, lãnh đạo thành phố cùng đội ngũ doanh nghiệp đã đồng lòng, hợp sức vượt khó, trong đó những cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Thành công của Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư được ký kết là minh chứng cho điều đó.

Nhận xét về nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư của Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu cho rằng, với đặc thù là một đô thị lớn, có số doanh nghiệp ra đời cao gấp nhiều lần mức trung bình cả nước, khối lượng công việc mà Hà Nội phải giải quyết rất lớn. Vì vậy, chỉ số PCI của Hà Nội hai năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố là kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận.

Kết quả của sự nỗ lực

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kết quả thu hút vốn đầu tư tư nhân trên địa bàn Hà Nội vẫn khá tích cực. Hết năm 2020, Hà Nội có thêm 26.441 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 337.689 tỷ đồng. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy khát vọng khởi nghiệp kinh doanh vẫn duy trì tốt và hồi phục rõ nét.

Bên cạnh đó, thành phố cũng thu hút được gần 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (kế hoạch từ 3 tỷ USD đến 5 tỷ USD); trong đó nhiều dự án lớn hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế Thủ đô. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam Tetsuyuki Nakagawa, Hà Nội là một điểm đến hấp dẫn để triển khai dự án đầu tư. Aeon Mall tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng thêm cơ sở mới nhằm mở rộng quy mô kinh doanh tại Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trương Việt Dũng thông tin, hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn là điểm nhấn, đóng góp quan trọng cho kinh tế Thủ đô. Năm 2020, khu vực này duy trì hoạt động ổn định, đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 290.000 lao động.

Cũng theo ông Trương Việt Dũng, những nguồn lực tổng hợp được huy động nói trên chính là đầu vào, giúp tạo ra năng lực sản xuất mới và kích đẩy phát triển kinh tế Thủ đô. Năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,98% (tiếp tục phấn đấu đạt 4%-4,5%) là mức tăng ấn tượng, gấp 1,54 lần mức tăng trưởng của cả nước. Hơn nữa, kết quả đó là yếu tố quyết định sự ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như đóng góp ngân sách nhà nước.

Năm 2021, Hà Nội sẽ tập trung huy động các nguồn lực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5%. Muốn vậy, cần tạo ra xung lực mới, sự bứt phá mới mà chủ yếu xuất phát từ sức mạnh, quyết tâm nội sinh.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, các cơ quan chức năng thành phố sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần vì doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt khó, tận dụng mọi thời cơ để phát triển. Không chỉ đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành phố sẽ chủ động triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với lãi suất vay hợp lý, áp dụng chính sách ưu đãi về thuế, tập trung giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ thông tin thị trường... Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thực sự là bệ đỡ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từ đó đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Thủ đô.         

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.