Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Thiếu vốn, thiếu nhân lực

Bạch Thanh| 26/07/2015 06:20

(HNM) - Tình trạng phổ biến của các hợp tác xã (HTX) là có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu làm dịch vụ cung ứng đầu vào vật tư nông nghiệp và rất yếu trong khâu tổ chức tiêu thụ nông sản cho xã viên.


Ngân hàng không mở "hầu bao"

Các HTX chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa), Cổ Đông (thị xã Sơn Tây)… đều có nhu cầu vốn để phát triển chăn nuôi công nghệ cao tới cả chục tỷ đồng nhưng khi đi vay, nhiều thì được một vài trăm triệu đồng, ít chỉ được mấy chục triệu đồng. "Số vốn này chẳng đủ nhập vài con giống chất lượng cao từ nước ngoài chứ chưa nói đến chi phí thức ăn, công chăm sóc..." - ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX Hòa Mỹ than thở.

Chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa.


Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng cho các HTX trong đó có HTX NN, nhưng trong thực tế, các ngân hàng thương mại lại đòi hỏi rất nhiều thủ tục ngặt nghèo nên các HTX gần như không thể tiếp cận. "Dù HTX có trụ sở, có đất đai nhưng lại không thể sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn vì theo giải thích của ngân hàng, đó là tài sản chung, thuộc sở hữu của Nhà nước nên sẽ không thể phát mại khi có rủi ro" - Chủ nhiệm HTX Vận tải Nội Bài Trần Quang Khải cho biết.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều sửa đổi như bổ sung đối tượng được vay vốn cũng như nâng mức cho vay không cần tài sản bảo đảm so với Nghị định 41 trước đây, nhưng việc các ngân hàng có sẵn lòng mở "hầu bao" hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào "niềm tin" của họ đối với các dự án nông nghiệp của HTX.

Do vậy, "để những chính sách trên đi vào cuộc sống, điều quan trọng là cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền với tổ chức kinh tế tập thể và ngân hàng. Trong đó, vai trò của chính quyền là cầu nối thông qua những hoạt động cụ thể để ngân hàng tăng thêm "niềm tin" đối với HTX và nông dân như đứng ra cam kết, hỗ trợ ngân hàng giám sát; giúp nâng cao năng lực quản trị của HTX trong quá trình thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách giao đất, hoặc cho thuê ưu đãi để xây dựng trụ sở, kho bãi… nhằm tạo điều kiện cho HTX có cái "thế chấp" để mở rộng sản xuất kinh doanh" - ông Trần Quang Khải kiến nghị.

Người có năng lực không về hợp tác xã

Chất xám cũng như nước, thường chảy chỗ trũng chứ không chảy ngược về chỗ cao - điều này đúng với tình cảnh của nhiều HTX hiện nay bởi đơn giản thu nhập của các chủ nhiệm, nhất là chủ nhiệm HTX NN vừa thấp vừa bấp bênh. Nhiều chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HTX làm việc không với tâm thế vì sự phát triển của HTX mà chỉ lấy HTX là môi trường hay bàn đạp để chờ chuyển sang một vị trí bên chính quyền, nếu còn trong độ tuổi. Đã qua rồi cái thời mà những con người được đào tạo bài bản nhất được cử về HTX như ông Phùng Quang Hùng, Chủ nhiệm HTX Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) mà sau này phát triển lên đến chức Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc… Nhiều HTX "trải thảm đỏ" cho lao động trẻ, có trình độ chuyên môn nhưng không ai về, kể cả con em xã viên. "Do chế độ tại HTX không cao, không ổn định nên rất khó thu hút lao động có trình độ cao. Đa phần lao động trẻ có tay nghề thường chọn làm ở các công ty, doanh nghiệp vì ở đó có mức thu nhập và chế độ đãi ngộ cao hơn"- ông Trần Bá Cao, Chủ nhiệm HTX Phú Thắng (Phú Xuyên) cho biết thêm.

Băn khoăn về đội ngũ cán bộ HTX vừa thiếu lại vừa yếu, TS Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định: Có tới 65% chủ nhiệm HTX có trình độ từ cấp II trở xuống, chỉ có 12% chủ nhiệm HTX có trình độ đại học nên kỹ năng quản trị HTX còn yếu và tổ chức hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế là đương nhiên. Cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực cho khu vực HTX còn rất nhiều bất cập. Chẳng hạn, Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX nêu: Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo chính quy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý và xã viên HTX, song điều này rất khó áp dụng vì cán bộ HTX có trình độ văn hóa thấp, nếu đào tạo ngắn hạn thì khó có sự chuyển biến.

Theo ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), thời gian tới, việc tăng cường nhân lực trẻ, có chất lượng và trình độ cho các HTX là vấn đề cốt lõi để khu vực kinh tế hợp tác có bước chuyển mình. Theo đó, giải pháp có thể thực hiện là tạo cơ chế phối hợp giữa các địa phương với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đào tạo về nông nghiệp, kinh tế để sau khi sinh viên ra trường có thể về làm việc tại các HTX. Điều này vừa tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cho HTX vừa giải quyết đầu ra cho các đơn vị đào tạo.

Ở Hà Nội, những năm qua, Liên minh HTX thành phố đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực trong các HTX trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn An - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội, về lâu dài, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích những người trẻ, năng động, có trình độ tham gia vào các hoạt động phát triển HTX, tương tự như dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các địa phương còn nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thiếu vốn, thiếu nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.