(HNM) - Nghệ thuật biểu diễn có tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, hành động của khán giả. Thế nhưng, dường như diện mạo ngành NTBD ở nước ta đang có những biểu hiện của sự méo mó,
Tác động trực tiếp là bởi mọi xúc cảm của người đứng trên sân khấu dễ dàng len lỏi, lay động con người hơn việc sử dụng kỹ xảo hay buộc người ta phải tưởng tượng. Điều đó đặt cho ngành NTBD trách nhiệm truyền tải thông điệp văn hóa, và cũng vì vậy, NTBD luôn là mảng nóng bỏng trong đời sống văn hóa hiện nay.
Vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ do diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn năm 2013. |
Không phải tự nhiên mà có cơn sốt xem các vở diễn có kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ trong năm 2013; hai tuần sau khi các vở diễn khép lại, người người vẫn còn bàn tán xôn xao. Có hiện tượng đó là bởi kịch Lưu Quang Vũ luôn đi trước thời đại và đề cập thẳng thắn những vấn đề bức xúc trong xã hội. Kịch bản của ông, như nhận định của chuyên gia văn hóa, văn nghệ, chính là minh chứng cụ thể cho cái gọi là "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa", dù Lưu Quang Vũ viết những kịch bản đó từ trước khi Nghị quyết TƯ 5 ra đời. Như "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" phản ánh đúng tâm lý, triết lý của người Việt bao đời nay dù được viết theo phong cách, tư duy sân khấu kịch hiện đại.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, với sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, ý thức dẫn dắt xây dựng trí tuệ, cốt cách, tâm hồn và phản ánh tâm tư tình cảm của người Việt, giới nghệ sĩ không ngừng cống hiến, tạo ra những tác phẩm, chương trình đáng tự hào. Chẳng hạn, như gần đây là vở "Mỹ nhân và anh hùng" (kịch bản Nguyễn Quang Lập, đạo diễn Lê Hùng), "Nỏ thần" (kịch bản Lê Duy Hạnh, đạo diễn Đức Thịnh), "Cánh đồng bất tận" (dựa theo truyện Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Minh Nguyệt) hay "Đường đua trong bóng tối" (kịch bản Đăng Chương, đạo diễn Lê Hùng)…
Âm nhạc cũng có những tác phẩm vừa rõ nét hiện đại vừa giàu âm hưởng truyền thống như "Rhapsody Việt Nam" (Đỗ Hồng Quân), một số tác phẩm dân ca chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng của Trần Mạnh Hùng, thanh xướng kịch "Lụa" (Quốc Bảo), bản overture "Ngày hội" (Đặng Hữu Phúc)… Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đến nay đã xây dựng được chương trình biểu diễn theo năm để tạo thói quen thưởng thức âm nhạc hàn lâm cho công chúng, trong đó không ít chương trình giới thiệu các tác phẩm của Việt Nam gây được tiếng vang. Tương tự, "Giai điệu trẻ" của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh hay các chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" vào dịp Quốc khánh 2-9, hòa nhạc mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Nhưng tiếc thay, các chương trình này chỉ đến được với số ít khán giả và số người cảm được nó lại càng ít hơn.
Tuy thế, nguồn "tài nguyên" trong NTBD chưa được khai thác đầy đủ. Vở xiếc "Làng tôi" đậm đà bản sắc Việt với những đạo cụ từ tre, nứa, vầu… từng có 3 năm "kín lịch" ở nước ngoài, được tung hô nồng nhiệt. Trở về Việt Nam, sau đêm diễn "sốt" vé, "Làng tôi" lâm cảnh "xếp kho" bởi chẳng có sân khấu cho ê kíp thực hiện chương trình phục vụ công chúng.
Với những người làm nghề chân chính, có trách nhiệm, như NSND Lê Khanh, họ xác định "nghèo cũng không sao, 20 năm chế độ lương, bồi dưỡng không thay đổi thì có xá gì. Chỉ mong được làm nghề, được sáng tạo, để công chúng có cơ hội tiếp cận những tác phẩm chất lượng, để họ nhận ra mình cần gì trong đời sống này". Nhưng mong ước này quá ít cơ hội để trở thành hiện thực.
Tài năng violon Bùi Công Duy quyết về nước giảng dạy, bỏ lại sự nghiệp biểu diễn trong những dàn nhạc uy tín nhất thế giới. Anh tìm cách thỏa mãn "sự say sưa nhất đời" bằng cách bay đi bay về với các chương trình có sự cộng tác của các dàn nhạc nổi tiếng mà nếu không vì sự trăn trở muốn người Việt được thưởng thức những chương trình chất lượng thì chẳng ai dám bỏ tiền túi mời một dàn nhạc đỉnh cao như Berliner Symphoniker có tới 60 người từ Đức về biểu diễn như anh. Thế nhưng: "Cả đời chắc chỉ liều một lần thôi, bởi không có người đầu tư. Còn, nếu chỉ nói về mặt chuyên môn thì tôi có thể làm hơn thế" - Bùi Công Duy chia sẻ.
Ngành NTBD vẫn có những bước tiến, những thành tựu nhất định theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5. Song, "so với nhu cầu, yêu cầu của thời kỳ đổi mới thì những bước tiến ấy còn quá chậm và đang ở thế cầm chừng", Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương nhận định.
Nghị quyết TƯ 5 là kim chỉ nam cho mọi hoạt động VHNT nói chung và NTBD nói riêng. Nhưng với một ngành nghệ thuật được cho là có sự "hào nhoáng" nhất định, sự phát triển dễ sa cảnh méo mó nếu quan điểm định hướng không được thực hiện tốt, sa đà vào việc đáp ứng nhu cầu dễ dãi. Giới trẻ luôn "bắt mắt" vào những thứ hào nhoáng mà ít đi sâu bản chất, vì vậy, họ cũng thiếu tỉnh táo trong việc chọn lựa cách tiếp cận văn hóa nếu không được hướng dẫn từ những người có văn hóa.
Câu chuyện "hôn ghế" thần tượng Hàn Quốc của bạn trẻ Việt là nỗi đau chung. Các fan của ca sĩ Mỹ Tâm ném chai lọ vào fan của ca sĩ khác do bất bình vì thần tượng của họ không đoạt giải thưởng, cho thấy sự lệch lạc trong một bộ phận giới trẻ. Những buổi biểu diễn chật ních khán giả của một vài "sao Hàn", "sao Việt" như ĐVH, MT, HNH, NPT, BK… mà trên sân khấu chỉ thấy tiếng hò hét, phải được gọi đúng là "thảm kịch" văn hóa. Tại sao các buổi biểu diễn ấy, dù giá có trên "trời", dù việc đầu tư không vì nghệ thuật, thiên về "chiêu trò" vẫn thu hút đến vậy? Đó phải chăng là một cuộc "đổ bộ" quá nhanh và thiếu kiểm soát của công nghiệp giải trí? "Với nền công nghiệp giải trí thịnh hành như hiện nay, công chúng, nhất là giới trẻ sẽ không bao giờ biết đến cái hay của quan họ, bài chòi, ví dặm… và vĩnh viễn không tìm đến Mozart, Beethoven, Chopin", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét.
Trong lĩnh vực sân khấu, nhiều đạo diễn tìm cách "câu" khách bằng những vở diễn chèn đầy cảnh "nóng", để diễn viên ăn mặc hở hang, buông lời thoại thô thiển. Những tiếng nói bất bình trở nên yếu ớt trong cảnh sốt vé đối với những buổi diễn nghệ thuật "chỉ dễ nhìn là đủ". Sự nhảm lan đến vũ trường, quán bar, nhiều người phải giật mình bởi sự xuất hiện của những tiết mục trình diễn vô cùng phản cảm và những "thảm họa văn hóa" như bà Tưng, Angela Phương Trinh.
Phải chăng, khi bước vào thời kỳ hội nhập, nghệ sĩ và công chúng vẫn chưa kịp tỉnh táo để nhận biết đầy đủ điều gì cần giữ gìn, phát huy, điều gì cần loại bỏ, khiến NTBD có nét méo mó như hiện nay?
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.