Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Sửa đổi những vấn đề cốt lõi

Ánh Dương| 30/12/2022 07:10

(HNM) - Việc phân bổ nguồn lực đất đai, phát huy giá trị, đưa nguồn lực này vào phát triển, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, trong đó có quy hoạch đất đai gắn với giao thông, đô thị, thương mại... sẽ mang đến hiệu quả là giá trị đất đai tăng lên, kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, các quy định liên quan quy hoạch, thu hồi đất, định giá đất… là những vấn đề cốt lõi trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai.

Nhà ở của nhiều hộ dân xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) bị xuống cấp nghiêm trọng do dự án Đại học Quốc gia Hà Nội chậm triển khai. Ảnh: Nguyễn Nga

Không để lãng phí tài nguyên đất

Hiện cả nước còn 18.000ha đất dự án chậm triển khai, dự án “treo”, gây lãng phí tài nguyên đất đai, một phần nguyên nhân do chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, nhà đầu tư kém năng lực; pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan còn chồng chéo… Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất lúa làm khu công nghiệp, đô thị tại nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua cho thấy sự lãng phí đất đai thể hiện ngay từ khâu quy hoạch. Nhiều vùng đất "bờ xôi, ruộng mật" được chuyển đổi thành các dự án công nghiệp, đô thị, dịch vụ..., nhưng hiệu quả không cao.

Thạc sĩ Bùi Thái Hà (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội) cho biết, khoảng 62,88% dân số (62,88 triệu người) sinh sống chủ yếu ở vùng nông thôn, do đó, các chính sách liên quan đến đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ở nhiều góc độ như sở hữu đất đai, sử dụng đất; hoạt động sản xuất trên đất nông nghiệp… Tuy nhiên, đất đai hiện nay bị bỏ hoang hóa nhiều do dự án “treo”, đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng, thậm chí, đất biệt thự, bất động sản được mua nhưng dưới dạng “đầu tư” như một tài sản để chờ tăng giá… gây bức xúc trong xã hội.

PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - thành phố Hà Nội cho rằng, để tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng, Nhà nước, bảo đảm phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực thi.

Liên quan đến cơ chế bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất: "Thực tế cho thấy, đất nông nghiệp, đất rừng được đền bù thấp hơn rất nhiều so với đất thổ cư, nên người dân thấy thiệt thòi. Đây cũng là lý do dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Do đó, xác định giá đất chỉ căn cứ vào loại đất mà không căn cứ vào vị trí của đất đai là chưa hợp lý. Nên chăng trong lần sửa đổi này, bên cạnh loại đất, thì vị trí đất cũng cần được xem xét để xác định giá đền bù, theo đó, sự đồng tình của người dân với chủ trương thu hồi đất chắc chắn sẽ cao hơn".

Siết chặt công tác quản lý

Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8-12-2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương chỉ đạo, rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng đất của dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí…; tổng hợp khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp và cơ chế chính sách để giải quyết, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, nhanh chóng giải phóng nguồn lực, tránh lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai...

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng Đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch Covid-19”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung Đề án tập trung thực hiện các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng để hoang hóa, lãng phí đất đai trên phạm vi toàn quốc, qua đó sớm được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Nếu như nguồn lực đất đai năm 2013 đóng góp 7-8% cho nguồn thu ngân sách nhà nước, thì đến năm 2021-2022, tăng trung bình 15-20%, thậm chí có địa phương tăng đến 35% tổng thu ngân sách. Giai đoạn vừa qua, nguồn lực đất đai đã giúp cân đối mọi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, khiếu kiện về đất đai vẫn “nóng”, chiếm 60-70% vụ việc. Nguyên nhân là các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai vẫn có kẽ hở, yếu kém; một bộ phận cán bộ quản lý lợi dụng để mang lại lợi ích không chính đáng cho mình hoặc đất đai sử dụng chưa hiệu quả; một số khu vực thành phố, đất nông nghiệp bỏ hoang, nhiều dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng... Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được cơ bản các vấn đề đang tồn tại”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tốn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện pháp luật về đất đai; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai cần tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các điểm nóng, vấn đề bức xúc, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và người đứng đầu tổ chức để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Quá trình thanh tra, kiểm tra cũng sẽ phát hiện những cơ chế, chính sách không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Sửa đổi những vấn đề cốt lõi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.